12 điều phải nhớ khi chuẩn bị đi du lịch xa

Trước khi đi

1. Kiểm tra lại các vacxin cơ bản: 4-6 tuần trước khi đi du lịch (nhất là đi nước ngoài), bạn cần kiểm tra lại xem mình đã tiêm đủ các vaccine thông thường chưa, ví dụ vaccine cúm, uốn ván…

2. Hỏi ý kiến bác sĩ: Nếu có bệnh mãn tính hay lo lắng tương tự, trước khi đi xa, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách giữ sức khỏe trong chuyến đi, đồng thời chuẩn bị sẵn những loại thuốc thường uống và những loại có thể cần.

3. Kiểm tra bảo hiểm ở nước ngoài: Nên hỏi xem bảo hiểm có chi trả nếu bạn “gặp chuyện” ở nước ngoài hay không. Nếu không, nên mua bảo hiểm du lịch, đặc biệt là gói có chăm sóc y tế chất lượng cao. Nếu đi trong nước, bạn cũng nên mua tour có bảo hiểm và tìm hiểu trước về những điểm chăm sóc sức khỏe nơi bạn sẽ đến (trạm xá, phòng khám, bệnh viện…).

4. Chú ý đến các bệnh vùng nhiệt đới: Nên chuẩn bị sẵn thuốc để phòng các loại bệnh nhiệt đới như viêm gan A, thương hàn, sốt vàng, sốt rét. Tránh các vùng đang có dịch và đọc các hướng dẫn du lịch trong vùng.

5. Gói ghém thuốc đúng cách: Nên đem theo đủ thuốc cho cả chuyến đi, cộng thêm thuốc dự phòng cho chừng một tuần. Bạn nên giữ thuốc trong túi đeo bên người, đề phòng hành lý thất lạc.

Cạnh đó, bạn cần chuẩn bị bản sao các đơn thuốc của bạn, giấy bảo hiểm, thông tin liên lạc với bác sĩ, ghi chú của bác sĩ nếu bạn mang theo kim, ống tiêm hoặc đã chụp X quang trong khoảng 2 tuần đổ lại. Nên đem theo cả túi cứu thương nhỏ cơ bản, mắt kính, pin và các dụng cụ y tế nếu cần.

6. Chống rối loạn múi giờ: Đi xa đến múi giờ khác làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Vài người uống thuốc chứa melatonin để dễ ngủ hơn, nhưng loại thuốc này không thực sự tốt. Bạn nên chuẩn bị trước bằng cách đi ngủ trễ chừng 1-2 tiếng mỗi ngày trong chừng một tuần trước khi du lịch.

Trước khi đi du lịch, bạn cần chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo. (Ảnh minh họa)

7. Thư giãn chân: Ngồi nhiều giờ đồng hồ trên máy bay hay tàu, xe sẽ khiến bạn bị cục máu đông ở chân. Nếu không thể đi lại vài phút mỗi giờ, nên làm động tác này khi ngồi: Bàn chân áp xuống nền, sau đó từ từ nâng gót chân lên vài giây, rồi sau đó nâng ngón chân, giữ gót chân hạ. Lặp lại 10 lần mỗi giờ để máu lưu thông tốt.

Khi đã đến nơi

1. Bảo vệ bao tử: Mắc bệnh tiêu chảy khi đi du lịch ảnh hưởng từ 30-70% du khách. Bạn nên chuẩn bị trước thuốc để dùng nếu bị tiêu chảy. Để chữa tiêu chảy nhẹ, nên dùng thuốc chứa loperamide hoặc  diphenoxylate và atropine như Imodium A-D, Lomotil... Ở những vùng vệ sinh không tốt, nên tránh ăn thức ăn sống, thực phẩm đường phố, đồ đông lạnh, nước uống không đóng chai.

2. Tránh tai nạn: Nguyên nhân khiến nhiều người phải vào bệnh viện trong kỳ du lịch là bị chấn thương, tai nạn nhiều hơn là bị mắc bệnh, trong đó nguyên nhân lớn nhất là tai nạn xe cộ, đuối nước.

Để tránh tai nạn đáng tiếc, bạn nên cẩn thận khi bơi ở nơi không quen, đeo dây an toàn và đồ bảo hộ kỹ lưỡng, tìm hiểu luật giao thông ở nơi đến và tìm tài xế nếu chưa quen lái xe.

10. Tránh rệp giường: Khách sạn, nhà khách là nơi dễ bị rệp giường nhất. Để tránh, bạn nên lật vải trải giường lên để kiểm tra nệm, đặc biệt là ở đầu giường. Giữ quần áo không chạm vào sàn nhà, để hành lý trong kệ đựng hành lý hoặc mặt phẳng cứng. Nên chọn các khách sạn, nhà nghỉ còn có vẻ mới, được bảo quản, vệ sinh tốt.

11. Phơi nắng điều độ: Tác hại do ánh nắng có thể kéo dài, nên dùng kem chống nắng ít nhất 15 phút trước khi ra khỏi cửa và thoa lại mỗi 2 giờ. Nhưng kem chống nắng cũng không thể chống tia cực tím hoàn toàn, bạn nên sử dụng các vật dụng bảo hộ khác như kính râm, mũ rộng vành, đồ chống nắng.

12. Giữ cơ thể đủ nước: Đi du lịch khiến thay đổi chu trình quen thuộc hàng ngày, khiến bạn phải hoạt động nhiều hơn. Nên uống chừng 9-13 ly nước mỗi ngày và ăn thêm rau, trái cây. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm