Để chợ nổi Cái Răng hấp dẫn: nên học Thái Lan

Chiều 27-1, Ban chỉ đạo phát triển du lịch TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tại hội nghị có nội dung về góp ý để duy trì, phát triển chợ nổi Cái Răng.

Tác phẩm Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ nét đẹp tiềm ẩn của tác giả Nguyễn Hữu Thành đạt giải nhất cuộc thi ảnh đẹp du lịch Cần Thơ 2020. Ảnh trưng bày tại hội nghị chiều 27-1. Ảnh: NN

Ông Nguyễn Hồng Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ du lịch Hồng Hiếu (Hieutour) cho rằng đề tài chợ nổi (Cái Răng) là đề tài được nhiều người nhắc tới qua nhiều năm tháng. Chợ nổi Cái Răng là một trong những nhân tố sống còn của du lịch TP Cần Thơ.

Từ đó, ông Hiếu đưa ra một số đề xuất để duy trì, phát triển và bảo tồn chợ nổi Cái Răng theo hướng tự nhiên, sẵn có của chợ nổi mà đã được thế giới công nhận và đã có mặt trên bản đồ du lịch.

Cụ thể, ông Hiếu cho biết, bên Thái Lan làm chương trình bảo tồn rất hay, bất cứ nơi nào, bất cứ một bảo tàng nào cũng đều có mô hình chợ nổi của họ trưng bày nên du khách tới là thấy chợ nổi đi vào tiềm thức của người Thái.

"Cần Thơ cũng nên xem xét có mô hình chợ nổi trong bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Cần Thơ. Từ đó, giúp các em học sinh hiểu biết thêm về chợ nổi trong các chương trình du lịch trải nghiệm là thăm quan các bảo tàng", ông Hiếu góp ý.

Ông Hiếu cũng cho rằng, Cần Thơ hiện có bến tàu cụ thể rồi thì sẽ đón khách từ bến tàu đi vào một điểm nào đó trong quận Cái Răng, cách chợ nổi chừng 300-400 m, cho khách tập trung ở đó rồi chuyển sang các xuồng nhỏ là xuồng ba lá.

Nhân lực cho xuồng ba lá chính từ con, em của các thương hồ chợ nổi. Chính họ sẽ tham gia đầu tư vào những chiếc xuồng này, họ sẽ mang theo cả quê hương, vùng đất của họ vào đội xuồng này để phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, trong khu vực chợ nổi không cho xuồng máy đuôi tôm vào vì sẽ gây nguy hiểm.

“Cái xuồng chèo từ không quá xa vào chợ nổi sẽ cho thấy hình ảnh một chợ nổi của 20-30 năm trước, rất lớn, rất quy mô. Và những thương hồ chợ nổi sẽ có một nguồn thu nhập bằng việc vận chuyển du khách chủ động, song song với việc bám trụ trên chợ nổi bằng việc cung ứng nguồn nông sản” – ông Hiếu nêu.

Cạnh đó ông Hiếu góp ý nên có quy định về giờ di chuyển của một số phương tiện như tàu lớn, xà lan khi di chuyển qua chợ nổi để tránh ồn và nguy hiểm. Có thể vào một khung giờ nào đó, các phương tiện này nên đậu cách xa chợ nổi bao nhiêu đó, trong một, hai tiếng đồng hồ mà vẫn không ảnh hưởng đến giao thông.

“Đồng thời cần có quy hoạch không gian xanh cho chợ nổi khi làm bờ kè khu vực chợ nổi. Nhà ai cũng trang trí cây cảnh nhưng khu vực chợ nổi lại chưa được trang trí. Đặc biệt là nên có điểm “check-in”. Giờ người ta đi đâu cũng có xu hướng chụp hình để “check-in” mà chợ nổi thì chưa có điểm nào để “check-in”” – ông Hiếu nêu.

Để kết lại phần góp ý của mình, ông Hiếu nói “nếu không có chợ nổi thì doanh nghiệp tụi em cũng không bám trụ nổi”. Đồng thời, ông cho biết sẽ mở thêm công ty về xuất nhập khẩu để sắp tới có thể thực hiện mơ ước bao tiêu sản phẩm nông sản của bà con để bà con bám trụ và duy trì chợ nổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm