Đề xuất thành lập đội cứu hộ chuyên nghiệp tại Tà Năng

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Oxalis, công ty chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, khám phá từ các hang động và những khu rừng nguyên sinh hoang sơ ít người đặt chân tới, đã khẳng định như vậy sau sự cố phượt thủ Thi An Kiện tử nạn tại trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng (trải dài qua ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng) xảy ra hôm 11-5.

Theo đó, ông Á cam kết nếu cá nhân, nhóm nào có thể thành lập được trung tâm cứu hộ, cứu nạn ở Tà Năng - Phan Dũng thì Công ty TNHH Oxalis sẵn sàng cung cấp chuyên gia cứu hộ hàng đầu của Tổ chức cứu hộ hang động đến từ nước Anh đào tạo một số kỹ năng căn bản cho thành viên tham gia.

Là người đã từng trải nghiệm trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng, ông Á đánh giá hằng tuần có hàng ngàn người đến trek vùng này trải nghiệm. Từ đó, ông Á cho rằng đã đến lúc cần nghĩ đến việc thành lập đội cứu hộ chuyên nghiệp cho trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng và những vùng có nhiều người đi trekking, leo núi.

Tour duy nhất của Oxalis cho phép du khách được cắm trại ngay trong hang, bên cạnh dòng sông tự nhiên màu xanh ngọc bích nơi du khách có thể bơi lội. Ảnh: Oxalis

Chia sẻ kinh nghiệm mô hình tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp trên thế giới, ông Á cho biết: Năm 2017, ông có dịp tham quan, nghiên cứu tổ chức cứu hộ hang động vùng Yorkshire (Anh). Theo đó thống kê hằng năm có khoảng bốn triệu lượt người thám hiểm hang động, leo núi và mỗi năm có hàng trăm trường hợp tai nạn cần được cứu hộ. Mô hình của họ là tập hợp những chuyên gia có chuyên môn sâu, từ chuyên gia lặn, đến leo núi, đu dây, bác sĩ... họ đăng ký với tổ chức này và làm việc một cách tình nguyện không lương.

Tổ chức này có trang thiết bị cứu hộ gần như hiện đại nhất thế giới, nguồn kinh phí để mua sắm là từ đóng góp của người bị nạn sau khi được cứu hộ hay gia đình họ và từ sự đóng góp của du khách leo núi. Mỗi năm họ nhận được hơn 2 triệu bảng Anh tiền đóng góp.

“Chúng ta ai cũng muốn mỗi chuyến đi đều được an toàn, tuy nhiên tai nạn đôi khi vẫn xảy ra, cho dù người đó có kinh nghiệm hay chuyên nghiệp đến mức nào thì đôi khi vẫn không tránh khỏi. Việc có đội cứu hộ chuyên nghiệp sẽ tốt hơn trong việc giảm thiểu thiệt hại cho người bị nạn khi cứu hộ đúng lúc, đúng phương pháp và đồng thời giảm thiểu nguy cơ cho những người tham gia cứu hộ” - ông Á nhìn nhận.

Đu dây trong hang với các thiết bị an toàn đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Oxalis

Là người trực tiếp điều hành và khai thác các tour du lịch khám phá, mạo hiểm tại các hang động và các cánh rừng hoang sơ, trong đó hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới tại Quảng Bình, ông Châu Á đánh giá: Ở Việt Nam mô hình tổ chức cứu hộ, cứu nạn tình nguyện chưa có tiền lệ và cũng chưa ai bảo đảm tính pháp lý cho hoạt động này. Riêng ở tỉnh Quảng Bình, được đánh giá là vương quốc hang động, chúng tôi cũng đã đề xuất thành lập trung tâm cứu hộ tình nguyện cách đây vài năm nhưng cũng không ai đứng ra làm hay cấp chứng nhận, do đó mỗi công ty, đơn vị tự lập đội cho riêng mình.

Nếu xét mô hình ở các nước thì các tổ chức cứu hộ này là do 911 đào tạo và cấp phép cho nhóm tình nguyện viên, như vậy ở Việt Nam có lẽ cơ quan phòng cháy chữa cháy hay cứu hộ cứu nạn nhà nước cấp phép.

Được biết Oxalis đang có một đội ngũ chuyên nghiệp là chuyên gia trong việc nghiên cứu, khảo sát hang động và đưa vào khai thác du lịch theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị tự nhên.

Đảm nhiệm vai trò kỹ thuật của công ty là hai ông Howard và Deb Limbert, họ là những chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh quốc, từng khảo sát và thám hiểm nhiều hang động trên khắp thế giới bao gồm Mexico, Borneo, Úc, Việt Nam và nhiều hang động khác ở châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm