Đình chùa xây cỡ nào là vừa?

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) bày tỏ băn khoăn tại hội thảo nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (TGTN) xây dựng mới ở Việt Nam diễn ra ngày 25-12 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tổ chức.

Hội thảo đặt ra vấn đề việc xây dựng các công trình TGTN mới ở nước ta đang diễn ra rầm rộ, bên cạnh mặt tích cực nhiều công trình có sự lệch chuẩn cả về kiến trúc lẫn bài trí bên trong.

PGS-TS-KTS Tôn Đại (ĐH Xây dựng) đánh giá việc xây dựng các công trình TGTN đang nở rộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, những công trình kể trên vẫn có sự lặp lại hoặc giản đơn về mặt kiến trúc.

KTS Trần Huy Ánh cũng nêu thực tế nhiều địa phương tán thưởng việc xây dựng các công trình TGTN bằng việc cấp đất, huy động vốn tạo điều kiện, san đồi, chặt cây để làm những ngôi chùa rất lớn nhưng những công trình này lại thấy ít bóng dáng ngôi chùa thường thấy ở Việt Nam. Có hiện tượng các chi tiết, thiết kế của các công trình kể trên còn vụn vặt, thô kệch, không có gửi gắm gì của người nghệ sĩ hay của những người dân vào cái đó mà hoàn toàn là những vật chất rất tầm thường. Có một mẫu số chung cho các công trình này là giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc rất hạn chế. Bên cạnh sự phô trương kích thước, hầu hết các công trình còn thể hiện sự vụng về trong tạo hình. “Các công trình xây mới khi đến vui vẻ, ô tô đỗ thoải mái, sạch sẽ, ngăn nắp… nhưng tất cả đều thuần túy là du lịch, đó có phải là nơi tập hợp tinh hoa, văn hóa hay không thì cần nhận diện lại” - KTS Trần Huy Ánh đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo UBTW MTTQ VN, nêu thực tế: “Có nhiều công trình xây mới sử dụng các hoành phi, câu đối dùng chữ Hán. Cả những ngôi chùa xây dựng ở Bạch Long Vĩ, Vân Đồn hay ở gần cửa khẩu Tân Thanh, việc xây dựng để cắm mốc chủ quyền văn hóa, để giáo dục truyền thống yêu nước nhưng lúc đầu khi xây dựng thiết kế đều dùng chữ Hán. Tuy nhiên, sau khi có góp ý thì các công trình này đã tiếp thu. Nhiều chùa sau đó hoành phi, câu đối đều dùng chữ quốc ngữ”.

Từ đó, ông Thanh cho rằng cần đưa ra một bộ tiêu chí cho các công trình TGTN, phải có một dòng chủ đạo trong sự đa dạng, nhấn mạnh sự phối hợp làm sao để giữ được chân thiện mỹ, bản sắc dân tộc và bản sắc vùng miền.

2.000 ngôi đình, chùa, đền, miếu, phủ, nhà thờ thuộc các loại hình di tích khác nhau đã được xếp hạng di tích quốc gia và hàng vạn công trình TGTN khác được đăng ký bảo vệ trên địa bàn cả nước. Mỗi năm Nhà nước hỗ trợ vài chục tỉ đồng để bảo quản, tu bổ chống xuống cấp cho các di tích đã xếp hạng là di tích quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm