Thăm đất Mũi Cà Mau vào cuối năm Bính Thân

Vậy nên khi người anh họ cho biết năm nay sẽ gác các công việc bộn bề cuối năm để dành thêm một ngày lái xe đưa các thành viên đến “vùng đất cực Nam của Tổ quốc” thì ai nấy đều háo hức…

Trưa 25 tết, tại huyện Thới Bình, chúng tôi cố gắng kết thúc sớm việc thăm nom các mộ phần và dự bữa cơm cúng mà theo lời của người bà con là để đưa ông, bà “đi đâu đó…” rồi khoảng 28, 30 thì rước về nhà mình ở (chứ không phải là rước ông, bà từ cõi riêng nào đó về nhà mình sum vầy ngày tết rồi mùng 3 thì tiễn đi như cách làm phổ biến ở nhiều địa phương khác). Xong xuôi, nhóm nhanh chóng đi theo Quốc lộ 1A đến địa phận huyện Ngọc Hiển với dự định nếu thấy hay thì sẽ ở lại một đêm tại xóm Mũi của xã Đất Mũi.

Từ thị trấn Năm Căn, xe chúng tôi mất khoảng một giờ đồng hồ vượt qua con đường dài hơn 52 km nối với xóm Mũi. “Hồi trước phải đi bằng ca nô cao tốc mất hơn hai tiếng” – là người duy nhất trong nhóm đã có lần đến đất Mũi, người anh họ của tôi vui vẻ so sánh như vậy.

cột mốc tọa độ ở cà mau

Mốc tọa độ Quốc gia – GPS 0001 là một trong những nơi được rất nhiều người chọn chụp ảnh lưu niệm khi đến đất Mũi Cà Mau. Ảnh: THU TÂM.

Thế nhưng vẫn còn một con số khác thú vị hơn vì mang nét đặc trưng của khu vực miền tây Nam bộ, đó là có đến 29 cây cầu mà ô tô phải lần lượt leo lên, trong số đó cầu Năm Căn dường như là to nhất (dài trên 800m, rộng 12m). Trừ ba cầu cũ và một cầu đang thi công chưa có tên, nhiều cầu mới được đặt tên theo kênh, rạch, như cầu Kênh Biển, Kênh Năm Ô Rô, Kênh Ngang, Kênh Hồ, rồi Rạch Lùm, Rạch Cụt, Rạch Tàu… Cảnh quan xung quanh rất đẹp với sông nước bao la, nhiều ngôi nhà nổi. Đường đi hai bên nhiều chỗ có vô số cây đước, cây mắm nhìn hệt như đường Cần Giờ ở TP.HCM.

Tại xóm Mũi, chúng tôi được một người dân chỉ đường “đi đất Mũi” bằng từ địa phương nghe ngồ ngộ “bỏ tẻ (đường nhánh) này, đến tẻ sau thì chạy thẳng”. Chừng khi thấy chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn còn có vẻ lơ ngơ, một thanh niên khác đã nhiệt tình chạy xe máy dẫn trước và chỉ khi thấy ô tô của chúng tôi đi đúng hướng thì anh mới yên tâm rẽ tẻ khác.

Và rồi, một bất ngờ cho cả nhóm khi điểm cuối cùng gọi là đất Mũi chính là một khu đất rộng treo bảng Khu du lịch Mũi Cà Mau, trong đó có công viên văn hóa du Lịch Mũi Cà Mau, nơi có đặt Mốc tọa độ Quốc gia – GPS 0001. Do khu du lịch được lập ra để kinh doanh nên du khách nếu muốn vào công viên để tận tay chạm vào Mốc tọa độ Quốc gia – GPS 0001 thì phải mua vé cho cả người và ô tô đi cùng.

Không biết những lúc khác đông đúc cỡ nào với các đoàn khách đi tour, chứ lúc chúng tôi đến thì chỉ có vài thanh thiếu niên là người địa phương chơi bóng trong khu và lúc nữa mới có thêm một nhóm khách đến từ Hậu Giang. Sau khi đi tham quan vài vòng và chụp mấy tấm ảnh bên Mốc tọa độ, cả hai nhóm quyết định quay về trong tối.

“Khi nào có dịp hoặc thấy có thêm sự hấp dẫn khác thì sẽ rủ nhau quay lại để có thể nhìn ngắm mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây”. Nhóm chúng tôi thỏa thuận vậy và tự cảm thấy ưng ý với tiết mục mới trong đợt đi tảo mộ đón tết Đinh Dậu,  nhất là khi trước đó được nhiều người thân quen là dân Cà Mau thứ thiệt cho biết “đã đi khắp các tỉnh, thành xa hoặc đi Tây, Tàu đủ cả nhưng đất Mũi thì chưa…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm