Tổng cục du lịch đề xuất Chính phủ cho đón khách quốc tế có 'hộ chiếu vaccine'

Sáng 21-10, tại Hội nghị đánh giá tác động của đại dịch và bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch, Quảng Nam đã công bố lộ trình đón khách du lịch thành ba giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1,2,3 sẽ đón khách nội địa ở các khu vực được đánh dấu vùng xanh, vùng vàng và sau đó là vùng cam. Giai đoạn 4, sẽ đón khách du lịch quốc tế.

90% doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của tỉnh này. Các hoạt động kinh doanh du lịch gần như tạm dừng toàn bộ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gặp nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp cạn kiệt.

“Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc, trong chín tháng đầu năm, thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoản nợ ngân hàng, thuế bảo hiểm…có nguy cơ giải thể, phá sản”, ông Hồng thông tin.

Tỉnh Quảng Nam đã sẳn sàng đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: TN

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá, Quảng Nam có quyết tâm rất cao mở cửa, vì vậy sẽ là một trong những địa phương đi đầu phục hồi du lịch. Ông Bình cho rằng, vai trò của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch vô cùng to lớn, Chính phủ và địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ cho DN.

Theo ông Bình, Quảng Nam có những vùng rất an toàn, tỉnh này nên tranh thủ những lợi thế, kiến nghị cho phép đón khách du lịch quốc tế. “Chúng tôi hi vọng Quảng Nam sẽ là một trong những tỉnh đi đầu trong hoạt động khôi phục du lịch. Sớm đưa Quảng nam trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong cả nước”, ông Bình kỳ vọng.

Ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng Việt Nam đã cơ bản kểm soát được dịch, tỉ lệ phủ vacine đạt trên 45% và Chính phủ cũng đã thay đổi chiến lược ứng phó với dịch và phục hồi kinh tế. “Cái chúng tôi (doanh nghiệp du lịch – PV) cần nhất là mở cửa lại và mở cửa bền vững, không thể mở cửa ra và đóng thêm một lần nữa”, ông Thuỷ nói.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề xuất, tỉnh cần phải thực hiện đón khách du lịch sớm hơn. Đồng thời, Quảng Nam và TP Đà Nẵng cần có cơ chế trao đổi khách giữa hai bên, sau đó là các địa phương kiểm soát dịch COVID-19 tốt.

Sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Chính phủ đã quyết định đổi chiến lược chống dịch. Đồng thời, các Bộ, Ngành trung ương cũng đã có những định hướng trong thời gian qua. Bây giờ là thời điểm tính đến các giải pháp phục hồi, sau đó là phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông Khánh, Tổng cục Du lịch đã đề xuất Chính phủ cho phép mở lại đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vacine”. Tổng cục tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành những khó khăn, vướng mắc trong việc mở lại hoạt động du lịch.

Tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch. Ảnh: TN

Để triển khai những nội dung cụ thể phục hồi ngành du lịch, ông Khánh cho rằng an toàn là yếu tố quan trọng nhất. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị Quảng Nam nói riêng và các tỉnh nói chung quan tâm, đề xuất Bộ Y tế để có nguồn vacine tiêm cho người lao động để phục hồi lại ngành du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị, các địa phương cần phát triển nguồn nhân lực, thông qua các cơ chế, chính sách thu hút người lao động quay lại làm việc. Các địa phương và các doanh nghiệp tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá để tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, tỉnh đã ban hành kế hoạch đón khách du lịch nội địa, quốc tế là phù hợp. Thời gian qua, Quảng Nam đã đón hơn 21 ngàn công dân Việt Nam ở các nước về nước, đây là “bài tập” thực tiễn rất tốt. Quảng Nam đã có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chuẩn bị điều kiện cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm