Đừng chờ đợi, phải đòi hỏi để phục vụ tốt hơn

Môi trường kinh doanh đã thay đổi

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2015), bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá: “Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi”.

Đến hết năm 2015, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được WEF ghi nhận tăng 12 bậc. Đây là mức tăng bậc cao nhất kể từ năm 2012. Về phía WB, thứ hạng Việt Nam tăng ba bậc trong bảng xếp hạng. Trong đó có 5/10 chỉ số được cải thiện.

Sau khi thực hiện hai nghị quyết 19, CIEM đánh giá cao sự tích cực của Bộ NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT. Điều này giúp chỉ số khởi sự kinh doanh, nộp thuế cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, đánh giá môi trường kinh doanh có tới 10 chỉ số khác nhau và không chỉ liên quan tới một vài bộ, ngành như vậy. Quản lý chuyên ngành liên quan tới 14 bộ nhưng mỗi bộ tham gia với thái độ khác nhau.

Sự kết nối và tham gia tích cực giữa các bộ, ngành là cần thiết. Nếu các bộ, ngành chưa vào cuộc đồng bộ thì các chỉ số sẽ có mức cải thiện không giống nhau.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

 “Chính sách và thực thi còn khoảng cách xa, nếu không cải thiện đồng thời cả hai vấn đề thì cải cách không thể đạt được” - bà Thảo khẳng định.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Văn Viết Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình, cho biết môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng vẫn còn nhiêu khê. Đơn cử chuyện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm điện tử của công ty ông, sản phẩm chưa được thị trường chấp nhận nhiều thì cơ quan nhà nước đã bắt doanh nghiệp thực hiện lại quy trình xin phép.

Khi dự định sản xuất, kinh doanh một mẫu máy ở Việt Nam, Viettronics Tân Bình nghiên cứu và làm máy mẫu ở các phòng nghiên cứu ở nước ngoài. Sau đó phải gửi mẫu về Việt Nam để thử nghiệm hoạt động thực địa hay thử nghiệm thị trường. Nếu quyết định sản xuất, công ty phải thêm một lần thử nghiệm và đăng ký lại cho loạt máy sản xuất trong nước. Điều này khiến doanh nghiệp tổn thất chi phí và thời gian gấp hai lần.

Khi hoàn tất thủ tục đăng ký, Viettronics Tân Bình tiếp tục cử người ra Hà Nội nộp hồ sơ để được cấp giấy phép dán nhãn năng lượng ở Bộ Công Thương. Tuy vất vả nhưng khi nhận quyết định, hiệu lực chỉ kéo dài một năm, ngắn hơn nhiều so với các nước ASEAN khác.

“Và chưa đưa ra thị trường được bao lâu, chúng tôi phải thực hiện lại quy trình xin dán nhãn năng lượng như ban đầu” - ông Tuấn chia sẻ.

Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đồng cảm với doanh nghiệp và người dân, ông Nguyễn Đình Cung khuyên người dân và doanh nghiệp không nên chờ Nhà nước đổi mới mà hãy đòi hỏi để nhận được phục vụ tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 19/2016 ra đời đã có những nét mới nhằm kế thừa và phát huy từ hai nghị quyết 19 trước đó.

Thứ nhất, không còn những nhiệm vụ chung chung, khẩu hiệu. Lần này Nghị quyết 19 giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ: Bộ KH&ĐT tám nhiệm vụ, Bộ Công Thương 10 nhiệm vụ, Bộ Tài chính sáu nhiệm vụ,...

 Các nhiệm vụ này gắn với thay đổi về văn bản quy định cụ thể trong thực tế đã gây những khó khăn, phiền hà, phí tổn, rủi ro cho doanh nghiệp.

Thứ hai, Văn phòng Chính phủ lần đầu được giao nhiệm vụ. Cơ quan này sẽ cùng Bộ KH&ĐT thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, để có những chỉ đạo kịp thời, bám sát mục tiêu nghị quyết. Chính phủ sẽ lập đoàn, trực tiếp kiểm tra các bộ, UBND tỉnh và TP.

Thứ ba, cấp địa phương phải gắn kết việc thực hiện Nghị quyết 19 với cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh (chỉ số PCA).

Tất nhiên sự trì trệ và thờ ơ của các bộ, ngành, địa phương vẫn là khó khăn lâu nay, cản trở việc thực hiện các nghị quyết. Nhưng ông Cung cam kết với tư cách cơ quan giám sát sẽ theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm để thúc đẩy sự thay đổi của các cơ quan này.

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Ông Cung kỳ vọng tinh thần đó sẽ được “thấm xuống các bộ, ngành, địa phương” và Nghị quyết 19/2016 sẽ được thực hiện tốt hơn. Chính phủ đã liệt kê được 196 văn bản phải sửa đổi. Vì vậy, đến giờ đã biết vướng ở đâu, vấn đề gì, do ai.

Giờ chỉ còn chờ triển khai thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm