Dung hòa “sức khỏe” nền kinh tế với vàng trong dân

Đã có thời kỳ người ta kinh doanh vàng trên sàn, trên tài khoản. Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng của nước ta đã tiến khá xa trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Vàng đã và vẫn là tài sản, tiền tệ của nước ta trong thời gian tới, nó đã là thói quen, tập quán lâu đời của công chúng nên không dễ gì xóa bỏ một sớm một chiều. Không phải ngẫu nhiên công chúng coi vàng như một thứ báu vật bởi lẽ từ lâu công chúng hiểu rằng vàng là nơi ẩn náu giá trị khi đồng tiền mất giá, khi nền kinh tế lạm phát.

Đã có thời kỳ chúng ta cấm giao dịch mua bán vàng nhưng việc giao dịch ấy vẫn tồn tại, phát triển trên thị trường chợ đen. Rồi đến khi chúng ta công nhận nó thì giao dịch mua bán vàng nở rộ hơn bao giờ hết. Vậy việc mua bán vàng có xóa được không, biện pháp nào tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, cách nào ngăn chặn các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới?

Đây là bài toán khó mà Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết sau 22 năm sản xuất, SJC đã đưa ra thị trường gần 20 triệu lượng, tương đương 700 tấn vàng. Điều đó có nghĩa là lượng vàng miếng găm giữ trong dân lớn hơn con số đó nhiều. Vấn đề là phải tìm ra biện pháp để sử dụng, lưu thông khối lượng tài sản khổng lồ đó mà không gây mất mát, tổn thương cho công chúng, biến nó thành công cụ tài chính quốc gia. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì lượng vàng lớn kia sẽ trở thành mối đe dọa khi nền kinh tế có nguy cơ lạm phát hai con số, khi đồng nội tệ bị mất giá nghiêm trọng.

Từ trước đến nay vẫn tồn tại song song hai thị trường: thị trường kinh doanh vàng miếng chính thức do Ngân hàng Nhà nước quản lý và thị trường chợ đen. Gần như thông lệ, chúng ta không quản lý được một lĩnh vực nào đó thì chúng ta ra lệnh cấm nhưng liệu có cấm được hay không, hay là cấm thì cứ cấm mà kinh doanh thì cứ kinh doanh?

Không thể tùy tiện sử dụng biện pháp hành chính trong việc này. Vàng là tài sản tích lũy của công chúng, một mặt nào đó nó cũng là sản phẩm hình thành chính sách mở cửa của chúng ta. Do vậy cần phải có một chính sách khéo léo để dung hòa giữa “sức khỏe” của nền kinh tế và quyền lợi chính đáng của người dân.

TS  NGUYỄN NGỌC ẢNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm