Duyên hải miền Trung: “Một cửa, không khóa”

Ngày 22-3, đại diện cho 600 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có phiên đối thoại trực tiếp với lãnh đạo chín tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung (DHMT). Theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển các tỉnh DHMT, tại cuộc đối thoại này đã có một cú “bắt tay lịch sử”. “Chính quyền các tỉnh cam kết sẽ là bạn đồng hành của các nhà đầu tư, cùng tạo một sự liên kết vùng để có không gian kinh tế chung, nhằm vực dậy khu vực miền Trung nhiều tiềm năng nhưng chưa được đánh thức đúng mức” - ông nói.

Ưu đãi đầu tư tối đa

Cũng theo TS Trần Du Lịch, nhiều doanh nghiệp (DN) đến miền Trung còn rất ngại thủ tục. Họ nhận xét rằng “dù đã tổ chức một cửa nhưng vẫn còn rất nhiều ổ khóa”. Nhưng tại cuộc gặp này, lãnh đạo các tỉnh DHMT đã cam kết “từ bây giờ sẽ chỉ còn một cửa và không còn ổ khóa nào nữa hết”.

Tại phiên đối thoại, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên nhóm tư vấn Quỹ nghiên cứu phát triển miền Trung, đã đặt câu hỏi cho tỉnh Khánh Hòa: “Theo khảo sát, các DN dịch vụ, du lịch hiện đang phải gánh chi phí chuyển nhượng đất và phí giao dịch rất cao. Thời gian tới, lãnh đạo các tỉnh sẽ làm gì về vấn đề này?”. Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Đúng là có tình trạng giá đất chênh lệch giữa các dự án du lịch và dự án trong các KCN. Mỗi dự án có một giá đất riêng. Vì vậy, tỉnh đang xem xét giảm giá đất để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời kiến nghị xin Chính phủ tạo cơ chế riêng về giá đất cho tỉnh”.

Duyên hải miền Trung: “Một cửa, không khóa” ảnh 1

Ông Nguyễn Bá Thanh giới thiệu với các nhà đầu tư về tiềm năng phát triển và chính sách ưu đãi của vùng. Ảnh: LÊ PHI

Nhận xét về Ninh Thuận, một nhà đầu tư du lịch cho rằng ngành du lịch của tỉnh này đang chậm chân hơn nhiều tỉnh trong vùng. DN này cũng yêu cầu ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết chiến lược sắp tới của tỉnh về phát triển du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thừa nhận: “Chúng tôi có chậm chân hơn các tỉnh về mặt này. Vì vậy tỉnh đã xin Chính phủ cho thuê chuyên gia nước ngoài về quy hoạch lại tỉnh một cách chi tiết. Trong tương lai, tỉnh sẽ phát triển theo hướng du lịch biển và du lịch đặc thù với làng nghề truyền thống mà chỉ Ninh Thuận mới có”.

Trả lời về chính sách ưu tiên của TP Đà Nẵng đối với dịch vụ y tế và giáo dục, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP, cho biết: “TP có chính sách ưu đãi rất rõ về giá thuê đất, thuế, hỗ trợ đào tạo nhân lực và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải cam kết khi thực hiện dự án phải đồng bộ và đúng tiến độ”.

DN Nhật muốn đóng tàu cho ngư dân

Tại buổi đối thoại này, các nhà đầu tư đến từ Kobe (Nhật Bản) đã đề xuất cơ chế cho phép đầu tư nhà máy đóng tàu, thuyền đánh cá có công suất lớn, hiện đại cho ngư dân miền Trung; đồng thời sẽ mở nhà máy thu mua, chế biến thủy sản. Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Ban điều phối vùng DHMT và lãnh đạo các tỉnh DHMT, sốt sắng ủng hộ: “Hiện chúng tôi đang rất cần các nhà máy đóng tàu như vậy. Phải làm sao hợp tác đầu tư để ngư dân miền Trung chúng tôi (10 đến 15 năm nữa) có hàng ngàn tàu công suất lớn, hiện đại để ra khơi đánh bắt cá và xuất khẩu thủy sản sang Nhật… Nhưng các ông phải làm nhanh chứ người Nhật nhiều lúc nghiên cứu lâu quá!”.

Một DN khác của Hàn Quốc tỏ ý muốn đầu tư dự án giải quyết chỗ ở cho 10.000 công nhân tại KCN Phú Bài, tuy nhiên chính sách của Thừa Thiên-Huế hiện không đủ hấp dẫn. Đáp lại, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho hay: “Chúng tôi hoan nghênh dự án này và sẵn sàng ngồi lại với nhà đầu tư để bàn cụ thể về các chính sách ưu đãi đất đai, thuế, hạ tầng”.

Chia sẻ với một DN đang muốn đầu tư vào đảo Lý Sơn, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết một thông tin lạc quan: “Chính phủ đã cho phép mở rộng vùng kinh tế trọng điểm Dung Quất lên 45.000 ha, trong đó có cả đảo Lý Sơn. Vì vậy, nếu các DN đầu tư vào đây sẽ được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh”.

DN Hà Nội kiến nghị giảm lãi suất, điều chỉnh tỉ giá

Ngày 23-3, UBND TP Hà Nội và NHNN Chi nhánh Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Theo ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex), hiện số lượng DN gặp khó, “sa lầy” vào NH không giảm nhiều so với năm ngoái. DN trong nước không thể cạnh tranh được với DN nước ngoài bởi vốn ít, công nghệ thấp, đầu tư tản mạn và lãi suất cao. Do đó, trong quý III năm nay cần hạ ngay lãi suất cho vay để DN đứng vững.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho rằng năm 2013 sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu. Trong đó câu chuyện chi phí đầu vào tăng do xăng tăng, điện có thể điều chỉnh sẽ tạo áp lực lớn. “Việt Nam duy trì chính sách ổn định tỉ giá khiến cạnh tranh xuất khẩu của chúng ta yếu. NHNN nên cân nhắc để điều chỉnh tỉ giá trong năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu, hướng tới biên độ tỉ giá ngoại tệ để xuất khẩu được” - ông Sơn kiến nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ nguồn ngân sách 100 tỉ đồng để giảm khó khăn cho DN. Đồng thời, sẽ triển khai thực hiện quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa với kinh phí 80 tỉ đồng; giảm thuế gần 14,5 tỉ đồng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Xử lý 5.789 căn hộ tồn đọng...

TRÀ PHƯƠNG

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm