Giá hàng Tết leo thang

Giá hàng Tết leo thang ảnh 1

Bánh kẹo nội và ngoại đều tăng giá 10-20% do giá đường tăng. (Ảnh: Phan Hùng)
Đáng chú ý, một mặt hàng không thuộc diện “sốt giá” dịp Tết như gạo, đường, gas cũng đang “nóng”, gây lo ngại đẩy mặt bằng giá cả tháng tới lên “nấc thang mới” giữa lúc các gia đình Việt vẫn phải dành phần lớn chi tiêu (60%) cho ăn uống.

Biến động tỷ giá USD, xăng dầu lên, giá đường tăng, một số chính sách hạn chế nhập khẩu… là những cái cớ cho các nhà cung cấp đẩy giá, bất chấp sức mua chưa có vẻ gì khởi sắc dù chỉ còn hai tháng nữa đến Tết.

Gas, gạo, đường… đang “nóng”

Gas đang lập kỷ lục tăng giá nhanh và mạnh nhất khi chỉ nội tháng 11 đã lên giá tới ba lần, với tổng mức tăng lên đến 40.000 đ/bình 12kg. Hiện giá gas lẻ đã lên ngưỡng 267.000 đồng/bình 12kg. Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam dự báo nếu không có đột biến từ nay đến Tết, giá gas có thể tăng thêm ít nhất 10-15%.

Đây là điều không tránh khỏi vì chúng ta lệ thuộc vào gas nhập khẩu mà theo quy luật mùa đông gas luôn tăng giá, chưa kể tác động của tỷ giá USD/VND”, ông Thắng phân bua.

Gây xôn xao thị trường không kém là giá gạo. Vin cớ Việt Nam “được mùa” xuất khẩu, giá gạo bán lẻ trong nước cũng đội giá lên theo trung bình hơn 10%, thậm chí có loại tăng đến hơn 20%.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng, giá gạo bị đẩy cao chủ yếu do tâm lý “dựa hơi” theo giá xuất khẩu dù thực tế gạo tiêu thụ nội địa thường khác xa gạo bán ra nước ngoài.

Song, bất chấp các cam kết nguồn cung dư thừa, thậm chí cả các biện pháp kiểm soát thị trường gắt gao, giá gạo bán lẻ, nhất là các loại gạo ngon đặc sản vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lên giá tiếp dịp áp Tết.

Một mặt hàng thiết yếu khác cũng đã tăng trên 100% so với đầu năm là đường ăn. Giá đường bán lẻ hiện đã lên ngưỡng 18.000 đ/kg và chưa thấy dấu hiệu “thuyên giảm” dù Hiệp hội Mía đường luôn đảm bảo dư cung và mùa đường đã vào chính vụ.

Tuy nhiên, nguy cơ của việc này không chỉ ở… giá đường. Do là đầu vào quan trọng, chiếm từ 10-30% giá thành của hầu hết nhóm hàng chủ lực phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, nước giải khát… tác động dây chuyền lên các mặt hàng này rất rõ. Thậm chí, giá đường đang bị “đổ tại” là nguyên nhân cho nhiều mặt hàng thực phẩm vừa lên giá đồng loạt đầu tháng 12 và dịp Tết Canh Dần sắp tới.

Bánh mứt, đồ uống sẽ tăng 10-20%

Từ đầu tháng 12, các siêu thị, đại lý bánh kẹo đều nhận được thông báo giá mới từ các nhà cung cấp bánh kẹo, nước ngọt, bia rượu, sữa… với mức 5-20%, thậm chí 30% tùy loại.

Đi đầu trong việc công bố tăng giá bánh kẹo do ảnh hưởng của giá đường tăng là Bibica. Ông Phan Văn Thiện, Phó TGĐ Bibica cho biết, các loại bánh kẹo của hãng đã phải điều chỉnh cho 5-10% so với trước đó.

Từ 10/12, các loại bánh tươi và bánh khô của hãng Bảo Ngọc cũng lên tối thiểu 5%. Tương tự, ông Trần Quốc Việt, TGĐ Kinh Đô miền Bắc, cũng cho rằng dù lo cạnh tranh, song việc lên giá của Kinh Đô là khó tránh khỏi.

Cần đường nhiều không kém là các loại mứt Tết, ô mai... Chủ các tiệm chuyên mặt hàng này trên các phố Hàng Đường, Hàng Điếu, chợ Đồng Xuân đều cho biết cả tháng nay ô mai đã tăng vài giá nhưng vẫn chưa tới “đỉnh điểm”. “Nửa tháng nữa, hàng mứt Tết mới về nhiều, giá chắc không thể tăng dưới 30% đâu”, bà chủ một cửa hàng trên phố Hàng Điếu quả quyết.

Tương tự, các loại đồ uống cũng đang vào đà tăng giá khá mạnh, từ 5-25%.  Nước ngọt có gas, nước ép trái cây đóng chai, bia, rượu… cũng đã rục rịch niêm yết giá mới từ vài tuần trước. Ngay cả hai đại gia đang cạnh tranh sát ván là Pepsi và Coca Cola cũng “đồng lòng” điều chỉnh giá bán từ 5-10% tùy loại.

Ông Lâm Văn Hải, Phó TGĐ kinh doanh của Pepsico giải thích giá đường tăng khiến giá thành bị đẩy lên 4.000-6.000 đ/két nên việc lên giá là đương nhiên.

Nếu giá đường cứ cao lên tiếp thì khả năng lại phải điều chỉnh giá là khó tránh khỏi”, ông Hải cho biết. Giá 1 két nước ngọt Pepsi hiện lên ngưỡng 138.000đ, Coca Cola là 140.000 đ/thùng.

Các loại nước ép như nước dứa, chanh dây, cam, ổi… trên thị trường đều tăng 2.000-6.000 đ/sản phẩm, tương đương 20-30%.

Chị Nga, chủ đại lý bánh kẹo, đồ uống phố Tây Sơn (Hà Nội) cho biết, ngoài nước giải khát, các loại đồ uống có cồn như bia, rượu cả trong nước và ngoại nhập đều đồng loạt tăng. Giá bia Heineken tăng xấp xỉ 30.000 đ/thùng, lên 330.000đ, các loại rượu vang nhập khẩu tăng ít nhất 10%, bơ, phô mai… tăng khoảng 5-7%.

Chị Nga dự báo khoảng 1 tháng sát Tết, giá các loại đồ uống này sẽ còn tăng 5-10% nữa tùy mãi lực. 

Thịt, thực phẩm chế biến có thể khan hàng

Giá hàng Tết leo thang ảnh 2

Thực phẩm và thực phẩm chế biến sẽ khó bình ổn do nguồn cung yếu. (Ảnh: Phan Hùng)

Bên cạnh nhóm hàng “đồ ngọt”, nhóm “ăn mặn” là các loại thực phẩm tươi sống như rau quả, thịt, cá đến hàng chế biến đông lạnh đều đứng trước ngưỡng tăng giá mạnh.

Tuy giá thịt lợn, gia cầm tươi sống hiện mới tăng từ từ nhưng có tần suất tăng mỗi ngày. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, giá thịt sẽ tăng nhiều vào dịp áp tết do nguồn cung yếu trong khi sức cầu tăng vọt.

Sở dĩ nguồn cung thịt có khả năng không đủ do hai nguyên nhân: Sản xuất trong nước bị ảnh hưởng bởi bão lũ miền Trung, giá thấp kéo dài trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi giảm số lượng đàn gia súc, gia cầm.

Số liệu báo cáo tháng 9 của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, tăng trưởng chăn nuôi quí III – chuẩn bị cho tháng Tết không cao.

Nguyên nhân trực diện hơn là do một số quy định mới liên quan đến chất lượng thịt nhập khẩu khiến các cơ quan chức năng còn siết chặt với nguồn cung này cộng thêm ảnh hưởng của tỷ giá. Ước tính các đầu mối chuyên nhập thịt đông lạnh đã giảm tới 30% chân hàng cho dịp Tết Canh Dần so với mọi năm. 

Như vậy, mặt hàng thịt đang có nguy cơ bất ổn về nguồn cung trong khi sức mua luôn tăng vọt vào cuối năm. Điều này chắc chắn sẽ đẩy giá thịt tươi lẫn thịt đông lạnh lên đáng kể vào Tết Canh Dần, ngay cả khi chính quyền địa phương như Hà Nội, TP.HCM có chi hàng trăm tỷ đồng dự trữ hàng trước.

Thực tế, không cần đợi đến Tết, ngày 11/12, Công ty Vissan đã thông báo chính thức tăng giá 15 mặt hàng thực phẩm chế biến với mức tăng bình quân 2.000-3.000 đ/sản phẩm kể từ ngày 15/12.  Giá lạp xưởng cũng lên 7.000-10.000 đ/kg tùy thương hiệu.

Đồ ăn đông lạnh như chả giò, thịt lợn hun khói, xúc xích, chả tôm, cá viên, gà cuốn chả… đã trở nên thông dụng trong bữa ăn ngày Tết của dân đô thị với tốc độ phát triển từ 20-40% mỗi năm. Các công ty chuyên thực phẩm chế biến sẵn như Cầu Tre, Đức Việt, đồ hộp Hạ Long… cho biết sẽ tăng giá tùy sản phẩm do đầu vào thịt tăng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Thọ Xuân còn lo ngại về giá rau xanh. Theo ông, chăn nuôi còn có thể lường trước được sản lượng chứ “rau củ trên ruộng trong thời tiết nóng lạnh thất thường rất khó dự báo”.

Quả thực, chỉ một tuần lạnh hồi cuối tháng 11 đã làm nhiều vườn rau “sắt lại” không lớn nổi khiến giá rau xanh tăng vọt.

Chưa kể, dù vô cùng thiết yếu trong mâm cơm ngày Tết, nhưng rau xanh lại không thuộc nhóm hàng được ngân sách xếp vào dạng “bình ổn Tết” nên càng phập phù về sản lượng. Hiện cà chua đã tăng khoảng 6.000 đ/kg, các loại rau củ như bông cải, cải xanh các loại... tăng 30% so với cách đây hơn 1 tháng.

Các loại gia vị như dầu ăn, tương, mắm… cũng rục rịch tăng giá. Điển hình là dầu ăn loại can 5 lít đã tăng tới 5%...

Có thể nói, giá bán lẻ các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết tuy chưa tăng rõ rệt ngay, nhưng ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ có thêm một đợt điều chỉnh giá nữa của các nhà sản xuất.

Chưa cần đợi đến Tết, theo Tổng cục Thống kê, một gia đình Hà Nội đã phải tăng mức chi tiêu thêm 300.000-800.000 đ/tháng do giá cả leo thang.  Với sức tiêu dùng Tết năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái, dù Bộ Công thương đảm bảo giá cả không tăng giá, sau Tết Canh Dần chắc chắn sẽ có thêm nhiều mặt hàng lập mặt bằng giá mới.

Theo Thiên Bình (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm