Giá thuốc tân dược: khó kiểm soát!

Thông tin từ Cục quản lý Dược, trong tháng 2 một số mặt hàng thuốc nội tăng trung bình 5,04%, và thuốc ngoại nhập khẩu tăng thêm khoảng 4%. Nhưng qua khảo sát, từ đầu tháng 3, tốc độ tăng của nhiều loại thuốc bắt đầu khó kiểm soát.

Tăng kiểu “tát nước theo mưa”!

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược cho biết, Cục đã nhận được đơn của 15 doanh nghiệp điều chỉnh giá 108 mặt hàng thuốc, hiện Cục đang xem xét đơn của 11 doanh nghiệp. Việc các hãng thuốc cả nội lẫn “Tây” đồng loạt nộp đơn tăng giá được xem là chiêu “tát nước theo mưa”, nương theo sự tăng giá chung của tất cả các mặt hàng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc giá thuốc “buộc” phải tăng do giá nguyên vật liệu sản xuất tăng. Trong khi phần lớn nguyên vật liệu sản xuất thuốc tân dược của các công ty trong nước đều phải nhập ngoại.

Giá thuốc hiện nay làm nhiều người bệnh méo mặt (Ảnh: minh hoạ).
Giá thuốc hiện nay làm nhiều người bệnh méo mặt (Ảnh: minh hoạ).

Theo ghi nhận, các mặt hàng biệt dược của các công ty như Công ty (Cty) cổ phần dược phẩm Vĩnh Phúc, cty Dược vật tư y tế Thanh Hoá… chỉ trong tháng 3 đều đã tăng từ 2-5%. Thậm chí, các loại dầu bôi như dầu gió Thiên thảo cũng đã…tăng giá. Chỉ một số ít doanh nghiệp được xem là “giữ giá” chưa chạy theo cơn sốt leo thang này như Cty dược Hậu Giang.

Theo một đại lý thuốc tại Hà Nội, thuốc nhập ngoại có tăng, nhưng mức tăng khá từ từ, chủ yếu tăng ở mặt hàng biệt dược. Đặc biệt với các mặt hàng thông thường chuyên trị cảm, sốt, mức tăng khá mạnh.

Theo đó, giá nhập vào của thuốc ngoại như Clamixyl của Pháp (gói) tăng từ 45 tới 50 nghìn đồng. Neo-codion (Bouchara Recordati) từ 46.000 đồng lên 48.000 đồng/hộp, Paradol từ 71.000 đồng lên 79.000 đồng/hộp, Cefo từ 57 nghìn lên 62 nghìn đồng/hộp… Giá xuất từ đại lý cấp một là thế, song giá đến được với tay người dùng qua các đại lý cấp 2 hay cửa hàng bán lẻ lại đắt thêm nữa, chẳng hạn gói Clamixyl đã lên tới 50-55 nghìn đồng tuỳ… từng địa điểm bán.

Đáng nói là những loại thuốc nhiều người dùng như trị cảm sốt (Panadol) hay thuốc bổ (Kidgrow, Polytar Liquid) đều thuộc dạng top tăng mạnh. Với kiểu tăng này, giá nguyên vật liệu xem ra không phải là nguyên nhân duy nhất, mà chính là tình trạng “tát nước theo mưa” của các cửa hàng bán lẻ.

…người bệnh “méo mặt”

Chia sẻ nỗi bức xúc với chúng tôi, nhiều người tiêu dùng cho biết: “Thuốc là mặt hàng không thể trả giá, tăng hay giảm mình cũng phải chịu” (!)

Đặc biệt với những người bệnh mãn tính, thường xuyên phải sử dụng biệt dược, việc giá thuốc “cài số tiến” đang là đòn mạnh đánh vào túi tiền. Bác Phạm Thị Bích, 65 tuổi, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ hiện đang chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai cho biết: số lương hưu ít ỏi hàng tháng chỉ đủ trang trải cho tiền nhà trọ (tại xóm chạy thận Bạch Mai).

Thuốc thang ngoài những gì đã được bảo hiểm chi trả, vẫn phải mua ngoài khá nhiều, đặc biệt là các loại thuốc bổ phục hồi cơ thể. Nhưng với giá thuốc đắt lên hàng ngày, một số loại thuốc bổ quá đắt đỏ sẽ “tự động” được bác cắt bỏ khỏi đơn thuốc hàng ngày.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng Hai mặt hàng dược phẩm, y tế tăng 0,46% so với hồi tháng Một, nhưng lại tăng tới 7,59% cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả hai tháng đầu năm, mặt hàng này đã tăng tới 7,56% so với hai tháng cùng kỳ năm 2007.

Bộ Y tế cũng từng dự báo giá thuốc sẽ có sự điều chỉnh nhẹ với cả thuốc nội và thuốc nhập khẩu, đặc biệt đối với các mặt hàng kháng sinh do giá nguyên vật liệu sản xuất tăng.

Liên Bộ Y tế và Bộ Công thương cũng đã cam kết sẽ không để giá thuốc biên động quá bất hợp lý. Và thực tế trên thị trường, giá thuốc đã không tăng quá đột biến, mà nhích…từ từ nhưng khá nhanh chóng.

Nếu đơn xin điều chỉnh giá thuốc của 11 công ty (cung cấp 0,6% thuốc trên thị trường) được Cục quản lý Dược chấp thuận, giá thuốc sẽ không chỉ dừng lại ở mức này.

Việc giá thuốc tân dược leo thang không phải chỉ thời điểm này mới diễn ra, nguyên nhân sâu xa chính là sự phụ thuộc quá lớn của thị trường thuốc trong nước với thị trường thế giới (tình trạng chung của nhiều mặt hàng thiết yếu).

Kết quả là bất cứ biến động nhỏ nào của thế giới, các doanh nghiệp trong nước lại “hồ hởi” tăng giá và chịu thiệt thòi nhất vẫn chỉ là người tiêu dùng.

Hơn nữa, việc Bộ Y tế chưa thể “thò tay” can thiệp tới thị trường bán lẻ, càng khiến giá thuốc trở nên khó kiểm soát, thậm chí nhà sản xuất chưa tăng, cửa hàng đã “tăng trước đón đầu”!

M.THU - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm