Giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng vọt

Giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng vọt ảnh 1

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn vượt kế hoạch đề ra. Ảnh: TRUNG HIẾU

Trước rất nhiều trở ngại, khó khăn đến từ chất lượng sản phẩm và thị trường nhập khẩu, năm 2010 xuất khẩu thủy sản đạt con số ấn tượng hơn 5 tỉ USD. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (ảnh), cho rằng sự thành công trên xuất phát từ sự đồng lòng của doanh nghiệp (DN) thủy sản.

Kéo giá cá tra lên

. Thưa ông, đâu là nguyên nhân để xuất khẩu thủy sản năm 2010 có bước khởi sắc trong tình hình thị trường năm qua có nhiều biến động?

Giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng vọt ảnh 2
+ Việc xuất khẩu thủy sản cao hơn dự kiến là điều bất ngờ đối với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) và DN. Thông thường tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ không nhiều do đối tác nhập khẩu giảm mua hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, tháng cuối năm nhiều nước lại tăng cường nhập, thậm chí có một số mặt hàng xuất khẩu lại tăng cao. Ở đây có nguyên nhân chính do giá xuất khẩu thủy sản phục hồi vào tháng cuối năm khi nguồn cung thủy sản thiếu hụt. Người tiêu dùng quay lại sử dụng thực phẩm thủy sản khi các mặt hàng lương thực khác rơi vào tình trạng bất ổn về chất lượng. Bên cạnh đó còn là chiến lược phát triển chung của ngành thủy sản khi vẫn duy trì phát triển tôm sú, thay vì chuyển sang tôm thẻ như các nước. Điều này khiến thủy sản VN vẫn giữ được lợi thế trên thị trường. Dù còn gặp một số trở ngại về chất lượng nhưng thủy sản VN ngày càng chiếm được lòng tin của nhiều nhà nhập khẩu.

Ngoài ra cũng phải kể đến tập quán mua hàng của nhiều nước có một số thay đổi nhỏ. Trước đây nhà nhập khẩu thường mua một lượng hàng khá lớn để dự trữ nhưng gần đây, do biến động về tài chính, tỉ giá… nên chỉ mua theo nhu cầu bán ra trong nước. Tuy nhiên, cuối năm thị trường lương thực có sự thay đổi khiến giá lương thực tăng, trong đó có thủy sản.

Một điểm cần phải nhắc tới là để đạt được thành công đó phải kể đến sự bền bỉ của DN thủy sản. Trong năm qua, ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn về chất lượng, thị trường… nhưng DN thủy sản chưa bao giờ nản lòng.

. Theo ông, xuất khẩu thủy sản như thế nào trong năm nay? VASEP và DN sẽ tập trung vào thị trường và ngành hàng nào?

+ Năm nay nhu cầu thủy sản thế giới sẽ tiếp tục gia tăng và tác động tới xuất khẩu thủy sản của VN. Từ đó chúng tôi dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt 2,2-2,3 tỉ USD; xuất khẩu cá tra sẽ đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm so với năm 2010. Xuất khẩu cá tra giảm phản ánh đúng thực tế khi nguồn nguyên liệu cá tra trong năm 2011 giảm mạnh do nhiều người nuôi bỏ ao. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để kéo giá xuất khẩu cá tra lên cao chứ giá không ở mức thấp 2 USD/kg như hiện nay. Để kéo giá xuất khẩu cá tra lên thì trong vài ba năm tới, nguồn nguyên liệu cá tra cần được giữ ổn định. Còn thị trường thì ngoài Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cần phải chú ý sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Liên kết doanh nghiệp và người nuôi

. Có thể nói năm qua xuất khẩu thủy sản khá thành công. Nhưng bên cạnh đó ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn liên quan chất lượng như trifluralin, Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra, một số nước đưa cá tra vào danh sách đỏ, thiếu nguyên liệu… Những khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản. Vậy VASEP và DN có những giải pháp gì không, thưa ông?

+ Khi đã trở thành cường quốc về xuất khẩu thủy sản, tất yếu VN sẽ gặp phải những khó khăn như trên. Cho nên DN cần hiểu rằng đây là những vấn đề của thị trường và cần nhanh chóng thích ứng để vượt qua. Về phía VASEP, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống ngăn ngừa, phòng tránh. Ví dụ như giải quyết vấn đề trifluralin không chỉ riêng từ phía DN hay người nuôi mà phải kết hợp hai bên lại trong một chuỗi hệ thống. Nếu không xây dựng được hệ thống cảnh báo, ngăn ngừa thì ngành thủy sản cứ phải đối phó với việc mất an toàn chất lượng thường xuyên.

Trong năm nay, nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề kháng sinh, hóa chất, xuất khẩu thủy sản sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Tuy vậy, để giải quyết tốt những khó khăn như đã nói phải cần đến vai trò quản lý Nhà nước như chính sách tín dụng, quy hoạch vùng nguyên liệu, con giống, quy chuẩn kiểm soát chất lượng sản phẩm, giá thức ăn…

. Xuất khẩu thủy sản thành công, DN sẽ có lãi. Nhưng trong những năm gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao, giá bán không đủ bù đắp chi phí đầu vào. Vậy VASEP có tính đến phương án DN chế biến phải chia sẻ khó khăn với người nuôi?

+ Nhiều ý kiến cho rằng DN chế biến đang “đứng trên lưng” người nuôi. Điều này không đúng vì có thời điểm DN cũng “chết” hàng hoạt. Đã là kinh doanh thì ai cũng muốn mua lúc giá thấp, bán lúc giá cao. Vậy DN chia sẻ khó khăn với người nuôi như thế nào? Đó chính là sự chia sẻ không tin và quan tâm đến người nuôi hơn nữa. Điều này thể hiện DN giúp người nuôi tiếp cận với quy trình nuôi, khoa học công nghệ, thông tin giá cả…

Ngoài ra, để thu hẹp khoảng cách giữa DN và người nuôi thì cần thiết mỗi bên phải tăng cường trọng lượng tiếng nói của mình. Không DN chế biến nào dám coi thường tiếng nói thống nhất của 100 ông nuôi tôm với sản lượng hàng ngàn tấn. Đã đến lúc chúng ta phải xác định mình đang làm ăn với quy mô công nghiệp lớn thì mọi thứ phải công nghiệp. Tôi nghĩ chia sẻ khó khăn không có nghĩa là DN phải cho người nuôi một cái gì đó, mà chính là tạo sự liên kết để hai bên đều có lợi. Năm 2011, vấn đề liên kết DN chế biến và người nuôi cần phải thực hiện thực sự chứ không phải hời hợt như những năm qua.

. Xin cảm ơn ông.

Tiêu điểm

Vì mục đích chung của hội viên

Mỗi một ngành có một đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi tâm niệm đã là hiệp hội thì phải xuất phát từ lợi ích chung của hội viên. Hiệp hội chính là tiếng nói của cộng đồng DN chứ không phải của một nhóm người. Văn phòng hiệp hội làm nhiệm vụ thu thập, tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp để cùng DN tháo gỡ, phát triển. Tới bây giờ VASEP còn nhiều vấn đề cần khắc phục nhưng đánh giá từ phía DN, là tiếng nói của họ luôn được tôn trọng.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm