Giải quyết 1 tranh chấp mất 400 ngày, tốn 29% trị giá hợp đồng

Tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cùng với thực trạng giải quyết tranh chấp là hai điểm đáng chú ý trong báo cáo PCI 2018 do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố.

“Trong tất cả các giao dịch, tranh chấp hợp đồng rủi ro hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh. Trong khi các DN tư nhân Việt Nam ít nhắc đến tranh chấp, thì 20% doanh nghiệp FDI cho biết họ có tranh chấp hợp đồng với đối tác trong năm vừa qua, thường là với doanh nghiệp trong nước”, báo cáo PCI nói.

Việc giải quyết tranh chấp là tốn kém và thiếu chắc chắn. PCI 2018 trích báo cáo thường niên của Doing Business thuộc World Bank cho hay: giải quyết một tranh chấp về thực hiện hợp đồng tại TAND TP.HCM mất khoảng 400 ngày, DN tốn khoảng 29% trị giá hợp đồng. Đó cũng là lý do khiến Việt Nam chỉ đứng ở thứ hạng 62 về chỉ số thành phần thực thi hợp đồng. DN tại Việt Nam cũng vì thế thường “ngại kiện tụng ra tòa án khi phát sinh tranh chấp”.

“Chỉ 39% DN tư nhân trong nước và 2% doanh nghiệp FDI sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp”, báo cáo PCI 2018 nêu. Vì vậy, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh rằng: DN thường tìm cách khác như nhờ một người có ảnh hưởng mà cả hai bên tin tưởng giải quyết tranh chấp, thậm chí là sử dụng cả các băng, nhóm “xã hội đen” trong một số trường hợp. Tuy nhiên, những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài xã hội cũng thường gây tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp.

Đây cũng chính là lý do khiến các DN “giới hạn” kinh doanh với các đối tác đã quen biết thay vì chọn đối tác có năng lực, hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, nó cũng hạn chế DN mở rộng phạm vi hoạt động về mặt địa lý, do phải phụ thuộc nhiều vào lòng tin của người lãnh đạo doanh nghiệp đối với mạng lưới bên ngoài.

“Việt Nam nhận thức rõ vấn đề này và đã tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết”, báo cáo PCI 2018 nhận định. Các giải pháp có thể kể đến như đào tạo tốt hơn thẩm phán, kiểm sát viên để cải thiện chất lượng và tính công bằng của quy trình tố tụng. Ngoài ra, các đạo luật cũng được ban hành để thúc đẩy phương pháp giải quyết ngoài tòa án như trọng tài.

“Các DN cho hay sử dụng phương thức trọng tài có khả năng bảo mật thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp, cũng như kiểm soát tốt hơn các yếu tố khác”, PCI 2018 nhận định và đánh giá cao con số 25 trung tâm trọng tài đang hoạt động. Có những trung tâm trọng tài như VIAC năm 2018 xử lý 180 vụ việc, trong đó một nửa là từ doanh nghiệp trong nước.

Dù còn một số hạn chế, bất cập trong việc công nhận phán quyết trọng tài, nhưng theo VIAC, những năm gần đây, chỉ có 6/612 phán quyết trọng tài của tổ chức này bị hủy. “Đây là sự cải thiện lớn so với tỷ lệ 50% bị hủy trước khi ban hành Nghị quyết 01/2014/HĐTP”, PCI 2018 trích nhận định.

Cuối cùng, ông Eddy Malesky, chuyên gia thuộc USAID cho rằng: với các hiệp định đa phương và song phương, việc giải quyết tranh chấp có xu hướng được quốc tế hóa và sẽ khắc phục được những hạn chế.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm