Giải trình về SCIC: Lương thành viên kiêm nhiệm không hề cao

Lương kiêm nhiệm 2,18 triệu đồng/tháng

Theo giải trình của Bộ Tài chính, phụ cấp của các thành viên kiêm nhiệm hội đồng quản trị SCIC không hề cao. Từ năm 2008 đến nay, các thành viên không chuyên trách bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào được trả 2.187.000 đồng/tháng sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân 243.000 đồng. Theo Bộ Tài chính, ngoài khoản phụ cấp kiêm nhiệm trên, các thành viên không chuyên trách không có khoản thu nhập nào khác từ SCIC.

Giải trình về SCIC: Lương thành viên kiêm nhiệm không hề cao ảnh 1

Theo kết luận kiểm toán, JPA điều hành không hiệu quả mà lương lãnh đạo vẫn cao. Ảnh: HTD

Về việc chi trả lương trong ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines, Bộ Tài chính cho biết trước tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ của JPA, để củng cố hoạt động của JPA, Bộ Tài chính đã chỉ đạo SCIC có đánh giá cụ thể về việc quản lý và điều hành của hội đồng quản trị và ban giám đốc JPA liên quan đến kết quả kinh doanh của công ty.

Từ đó đề ra các biện pháp cắt giảm chi phí, việc chi trả tiền lương, tiền công phải gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến việc thua lỗ trong nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro xăng dầu, tìm kiếm phương án kiện toàn nhân sự cấp cao, cơ cấu cán bộ của JPA ...

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố hồi đầu tháng 12 cho thấy đã phát hiện nhiều tồn tại về công tác cổ phần hóa, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cụ thể là trường hợp của hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA). Tính đến năm 2008, JPA đã lỗ lũy kế 1.137 tỉ đồng (riêng năm 2008 lỗ 546 tỉ đồng), vốn chủ sở hữu âm 121 tỉ đồng.

Đáng lưu ý trong đó là vấn đề quản lý chi phí xăng dầu. Chẳng hạn, hai phó tổng giám đốc của JPA thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo hội đồng quản trị, ban điều hành nên đã làm cho JPA lỗ hơn 31 triệu USD. Lỗ như vậy nhưng cơ chế trả lương của JPA lại hoàn toàn đối nghịch. Dù thua lỗ kéo dài, song công ty vẫn trả lương cho ban lãnh đạo với mức lương rất cao, không tương xứng với kết quả hoạt động.

Giảm lương lãnh đạo JPA

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu tổng giám đốc Jetstar thuộc Tập đoàn Qantas (Úc) rà soát toàn diện tình hình tài chính, tình hình hoạt động của JPA. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của JPA. SCIC thông qua người đại diện phần vốn đã yêu cầu JPA rà soát lại đường bay, cơ cấu lại lao động, cắt giảm chi phí, giảm số nhân sự nước ngoài và xem xét lại chính sách phân bổ lương, thu nhập phù hợp hơn.

Cũng tại văn bản của Bộ Tài chính, theo báo cáo của SCIC, JPA đã cắt giảm bảy trong số 12 cán bộ quản lý người nước ngoài. Đối với cán bộ chủ chốt người Việt Nam cũng thực hiện cắt giảm ít nhất 25% lương đối với các vị trí tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc thương mại. Những biện pháp này SCIC ước tính có thể giúp JPA tiết kiệm khoảng 1,5 triệu USD trong năm 2009.

Bộ Tài chính cũng cho biết đã chỉ đạo SCIC báo cáo Thủ tướng những vấn đề liên quan đến hoạt động của JPA và hiện nay đang xây dựng phương án tổng thể xử lý các tồn tại của JPA, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Số liệu nào chính xác?

Gần hai tuần kể từ sau cuộc họp báo công bố thông tin tại Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính mới có phản hồi xung quanh chuyện tiền lương của các thành viên kiêm nhiệm hội đồng quản trị của SCIC.

Công văn của Bộ nhấn mạnh, những quan chức kiêm nhiệm chỉ “hưởng phụ cấp kiêm nhiệm, ngoài ra không có khoản thu nhập nào khác từ SCIC”. Thế nhưng tại cuộc họp báo hôm 2-12 do ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chủ trì, cơ quan kiểm toán nói rõ, quỹ tiền lương của lãnh đạo SCIC được duyệt là 1,47 tỉ đồng nhưng thực tế năm 2008 đã chi trả 2,642 tỉ đồng, vượt quỹ lương được duyệt gần 1,17 tỉ đồng. Văn bản của cơ quan này ghi rõ: “Thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC khi xây dựng trình Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH là 40 triệu đồng/tháng nhưng thực tế năm 2008, thu nhập lên tới 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch”.

Đáng chú ý, kết luận kiểm toán được ban hành sau một quy trình cực kỳ chặt chẽ, trong đó có việc lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán (quy định tại Điều 54 Luật Kiểm toán nhà nước). Khoản đ Điều 9 luật này còn nói rõ: Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém…

Tại công văn nêu trên không thấy Bộ Tài chính đề cập gì tới việc yêu cầu các báo đã đưa tin phải cải chính nhưng lại đề nghị “chỉ đạo đưa tin để bạn đọc hiểu rõ sự việc”.

Vậy trách nhiệm thu hồi tiền lương chênh lệch (3,8 tỉ đồng); kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể khi để xảy ra sai sót về chế độ tài chính, kế toán năm 2008 ở SCIC như Kiểm toán Nhà nước đề nghị thì ai làm?

Điều đáng quan ngại hơn là một sự việc nhưng lại có hai luồng thông tin trái nhau đều do cơ quan nhà nước đưa ra thì số liệu nào chính xác?

PHAN MAI

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm