Giảm lãi vay nhưng DN vẫn “tịt”

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc hạ trần lãi suất tiền gửi từ 8% xuống 7,5% là phù hợp với xu hướng lạm phát.

Chưa có hiện tượng rút tiền

Khảo sát tại nhiều chi nhánh ngân hàng ở TP.HCM ngày đầu áp dụng trần lãi suất tiền gửi (26-3) cho thấy các hoạt động vẫn diễn ra như bình thường, không có hiện tượng đi rút tiền. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cũng khẳng định điều này.

Nguyên nhân theo các chuyên gia là lãi suất tiền gửi tuy có giảm nhưng không đáng kể. Hơn nữa, nhiều ngân hàng đã đón đầu xu hướng giảm lãi suất tiền gửi rồi. Chẳng hạn, vào khoảng giữa tháng 3, Vietcombank đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 8% về 7,5% đối với khách hàng cá nhân kỳ hạn một, hai và ba tháng. Trước đó, ACB cũng giảm 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng. Riêng kỳ hạn chín tháng, lãi suất là 7,6%. Thậm chí có ngân hàng như Agribank đưa lãi suất kỳ hạn một tháng chỉ còn 6%.

Khoảng một tuần trước đó, nhiều người muốn giữ mức trần lãi suất 8% đã đến ngân hàng đáo hạn, làm lại sổ. Một số khách hàng thân thiết của ngân hàng cũng đã được biết về xu hướng này. Tuy nhiên, việc đáo hạn tiền gửi tiết kiệm cũng không nhiều.

Giảm lãi vay nhưng DN vẫn “tịt” ảnh 1

Khách hàng gửi tiền đã biết xu hướng lãi suất giảm không đáng kể nên giao dịch vẫn bình thường. Ảnh: HTD

Mặt khác, thời gian qua động thái huy động tiền gửi tiết kiệm liên tục tăng. Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hai lần mức tăng cùng kỳ năm 2012. Bởi vậy, việc hạ lãi suất trần tiền gửi là tất yếu.

“Thời buổi này vay mượn khó khăn, làm ăn khó chịu, công chúng thì thắt chặt tiêu dùng. Và như vậy, mức lãi suất tiền gửi như hiện nay cũng có thể chấp nhận được”. Đó là khẳng định của TS Nguyễn Ngọc Ảnh từ ĐH Tài chính Marketing TP.HCM.

Nhiều tổ chức từng dự báo rằng cùng với xu hướng giảm của lạm phát, NHNN sẽ có mức giảm lãi suất cao hơn, từ 1% đến 2% trong năm 2013. Thế nhưng lúc này NHNN lại quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 0,5% mà thôi. Một phó tổng giám đốc ngân hàng nhận định đây là động thái thăm dò thị trường và trần lãi suất huy động có khả năng giảm xuống 7%.

Doanh nghiệp vẫn khó vay

Song song với việc giảm lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay với nhóm đối tượng ưu tiên cũng giảm xuống còn 11%. Như vậy, so với năm 2012, đây là mức lãi suất lý tưởng với doanh nghiệp (DN). Vấn đề còn lại là DN có tiếp cận được nguồn vốn hay không.

Các chuyên gia đánh giá việc giảm lãi suất trong tình hình hiện nay không có ý nghĩa gì với các DN không vay được vốn ngân hàng. Bởi dù là 11% hay 12% thì họ vẫn không thể vay được khi tài sản thế chấp không còn, hàng tồn kho chất đống, bán không được… Nhiều DN kiệt quệ vì sức mua trên thị trường giảm. Trong khi đó, ngân hàng ngày càng siết chặt điều kiện cho vay. Vì thế, chính sách trên chỉ có tác dụng với những DN đang vay được vốn và làm ăn hiệu quả.

Mặc dù vậy, theo một chuyên gia tài chính, ngay cả với những DN đang vay vốn, muốn vay được cũng phải có tài sản thế chấp. Mà tài sản thế chấp dường như đã cạn. Với các món nợ cũ, bản thân DN đã phải thế chấp thêm tài sản của mình thì giờ lấy đâu ra thế chấp để vay mới?

TS Nguyễn Ngọc Huy từ ĐH Kinh tế Luật TP.HCM đưa ra nhận định, thông thường sau những đợt giảm lãi suất tiền gửi sẽ có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, thị trường chứng khoán không những không tăng mà lại rơi vào tình trạng không phá được ngưỡng, cũng không thể giảm sâu.

Ở đâu cũng tồn kho

Lạm phát giảm là do sức mua kém, lực cầu không còn nữa chứ không phải DN tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí đầu vào… Hiện nay thép tồn kho đến 117 tấn, gạch tồn kho 117 triệu viên… Ở đâu cũng tồn kho, DN phá sản rất nhiều.

Ông TRẦN THANH HẢI, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Vàng Việt Nam

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm