Hai gánh nặng đè công nghiệp nhẹ

Dù đã nâng số thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam lên 140, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm nay đạt 800 triệu USD, bằng 86,5% so với năm trước. Tuy báo cáo của bộ Công thương không công bố chi tiết, nhưng chắc hẳn chi phí cho tìm kiếm và mở 95 thị trường mới cũng như thời gian, nhân lực không phải là nhỏ. Khủng hoảng tài chính không chỉ ảnh hưởng riêng với ngành nhựa mà các ngành trong khối công nghiệp nhẹ khác như da giày, dệt may, dầu thực vật cũng chịu tác động không nhỏ. Ngoại trừ ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỉ USD, tăng 4% so với mục tiêu xuất khẩu của năm, ngành da giày và dầu thực vật đều không đạt được mục tiêu xuất khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước tính của ngành da giày cả năm 2009 khoảng 4 tỉ USD, xấp xỉ 80% so với mục tiêu đặt ra. Dầu thực vật xuất khẩu chỉ bằng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài tác động của khủng hoảng kinh tế khiến các thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, hàng Việt Nam còn khó chen chân vào các thị trường chính do vướng vào các vụ kiện bán phá giá cũng như hàng rào kỹ thuật, chủ yếu trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Suy giảm kinh tế cộng hưởng với các vụ kiện trợ cấp và chống bán phá giá với sản phẩm túi nhựa của Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp ngành này dù mở thêm được các thị trường mới vẫn giảm kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD.

Các số liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy nền kinh tế của Mỹ, một số nước châu Âu có dấu hiệu hồi phục, khiến cho sức ép ngăn hàng Việt Nam vào các thị trường này sẽ giảm bớt một phần. Tuy nhiên, vẫn còn sức ép không nhỏ và có thể còn kéo dài, nếu không nói là tăng lên, từ chính sách bảo hộ.

Nhìn lại các vụ kiện chống bán phá giá trong hai năm trở lại đây, có thể thấy việc bảo vệ thị trường trong nước được các nước dựng lên bằng hai hàng rào. Hàng rào đầu tiên là các vụ kiện chống bán phá giá, mà đối tượng mắc phải thường là các nước đang phát triển, nền kinh tế chưa được công nhận là kinh tế thị trường hoàn toàn. Với cách sử dụng nước thứ ba làm tham chiếu, khả năng bác bỏ luận cứ không bán phá giá trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật được dựng lên do sức ép một phần từ các nhà sản xuất và chủ yếu là từ người tiêu dùng. Khuynh hướng tiêu dùng xanh, sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường đòi hỏi khắt khe hơn không chỉ ở các tiêu chuẩn sản xuất, vệ sinh, an toàn thực phẩm, mà còn là các yêu cầu khá khó với người sản xuất ở các nước đang phát triển. Trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc thuỷ sản đánh bắt do EU đưa ra, phía Việt Nam phải đưa ra hai giải pháp, một cho thuyền có công suất trên 90 mã lực vốn chiếm 1/3 số lượng tàu phải có chữ ký thuyền trưởng, còn lại thì chỉ làm sổ theo dõi. Điều này được EU ghi nhận nhưng chưa rõ cơ hội đổi mồ hôi, công sức với giá cao hơn của 2/3 số tàu còn lại có bị tước hay không. Hay như giá trị kim ngạch xuất khẩu dầu ăn giảm, một phần là do nhu cầu tiêu thụ tập trung vào dầu có hàm lượng axit béo thấp, mà sản phẩm này vốn có giá trị xuất khẩu thấp.

Con đường hội nhập thị trường toàn cầu mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đi mở thị trường mới, là đường dẫn cho hàng nước ngoài tìm chỗ đứng ở thị trường hơn 86 triệu dân này. Trong khi cánh cửa xuất khẩu hẹp lại, thì việc đứng chân ở thị trường nội địa với một số doanh nghiệp ngành nhựa, dệt may, da giày không phải là chuyện đơn giản. Với các ngành dệt may, da giày từ nhiều năm qua phát triển chủ yếu theo định hướng xuất khẩu, thị trường nội địa chắc chắn không thể hấp thụ hết sản lượng sản xuất hàng năm. Với năng lực sản xuất của ngành da giày như hiện nay, mỗi năm bình quân người Việt Nam phải tiêu thụ tám đôi giày mới bảo đảm đủ công ăn việc làm cho hơn 620 ngàn công nhân. 70% doanh nghiệp da giày làm gia công cho nước ngoài, kỹ thuật, công nghệ, quản lý và thiết kế mẫu sản phẩm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác. Bên cạnh đó, gần 70% nguyên liệu và phụ liệu phải nhập khẩu. Chỉ cần thị trường có biến động về giá nguyên liệu hay thay đổi trong chính sách tỷ giá, doanh nghiệp sản xuất gặp không ít bất lợi.

Quá trình sàng lọc nghiệt ngã của cạnh tranh thị trường xuất khẩu lẫn nội địa có thể khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản, nhưng cũng lọc ra các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và khả năng đổi mới, sáng tạo, từ mẫu mã, thiết kế, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng cho tới khả năng mở các thị trường mới. Sức ép cạnh tranh như vậy vừa phá vỡ các kết dính nặng tính hình thức, sản phẩm kế thừa từ kinh tế tập trung, vừa nhào nặn, tạo dựng các liên kết mới như mô hình chuỗi cung ứng liên hoàn, mà mỗi doanh nghiệp chỉ tồn tại khi tạo ra được giá trị gia tăng nhất định.

Trong chuỗi liên kết đó, vẫn còn đứt đoạn do thiếu doanh nghiệp phụ trợ và các mắt xích quan trọng mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế. Ngành dệt may dù kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt 9,1 – 9,2 tỉ USD được coi là điểm sáng của công nghiệp nhẹ nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu. Người tiêu dùng trong nước vẫn đang chờ đợi khả năng “thời trang hoá” ngành dệt may, mục tiêu mà nhiều năm qua ngành này vẫn đưa vào kế hoạch. Làm được điều này không những đòi hỏi nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong ngành hay chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, mà còn ở cỗ máy cái giáo dục và đào tạo.

Theo Quốc Khánh ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm