Hàng ngoại chất lượng cao sẽ vào ồ ạt

Bắt đầu từ ngày 1-1-2008, hơn 1.700 dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm theo lộ trình cam kết gia nhập WTO. Từ đây, người tiêu dùng có thể thỏa sức lựa chọn với những mặt hàng phong phú hơn, chất lượng cao hơn. Theo ông Hà Huy Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính thì rượu, bia, thuốc lá, cà phê, dầu thực vật, thịt chế biến, rau quả tươi và nhiều mặt hàng khác được cắt giảm thuế xuất nhập khẩu tối đa là 6%.

Thuế hàng tiêu dùng giảm không nhiều

Theo biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi do Bộ Tài chính vừa ban hành, có ít nhất 26 ngành hàng nằm trong diện được cắt giảm thuế quan theo lộ trình WTO. Mức giảm phổ biến từ 1% đến 6% so với hiện hành. Ông Tuấn cho biết mức giảm thuế đối với các mặt hàng không chênh lệch quá lớn đối với các sắc thuế hiện hành.

Đáng lưu ý là thuế suất mới của một số mặt hàng như bia giảm từ 65% xuống còn 59%; đa số các loại trái cây giảm từ 30% xuống còn 26%. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng không giảm nhiều.

Biểu khung thuế được xây dựng nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu hạn chế xuất khẩu những sản phẩm thô và để định hướng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và tập trung cho sản xuất trong nước là chính. Về cơ bản vẫn giữ nguyên khung thuế suất đối với hầu hết các nhóm hàng chịu thuế.

Liệu việc giảm thuế lần này sẽ giúp người tiêu dùng trong nước mua hàng ngoại giá rẻ hay không? Theo bà Mai Bích Vân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế, điều chắc chắn là sẽ có một lượng hàng hóa phong phú, chất lượng tốt hơn từ các nước nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, giá cả sẽ không giảm nhiều như mặt hàng tiêu dùng chỉ tối đa là 2% so với trước đây. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu thế giới đều tăng nên sẽ khó có thể mua hàng tốt với giá rẻ.

Năm 2009, tiếp tục giảm 2.000 dòng thuế

Theo đúng cam kết WTO, chúng ta đã giảm các mặt hàng. Thời điểm 11-1-2007, Việt Nam cũng đã cắt giảm trên 1.000 dòng thuế. Trong đó, thuế đối với mặt hàng thuốc lá điếu và xì gà tăng từ 100% lên 150% và bằng với mức cam kết trần tại thời điểm gia nhập WTO.

Đối với hàng dệt may, theo quy định hiện hành chỉ có hàng nhập khẩu từ EU, Mỹ, Úc được áp thuế suất ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên theo cam kết, mức thuế này phải được áp dụng cho tất cả các nước. Trong đó, nhóm hàng quần áo và đồ may sẵn giảm từ 50% xuống 20%.

Chính thức từ 1-1-2008, chúng ta tiếp tục giảm khoảng 1.700 dòng thuế. Năm 2009, chúng ta sẽ tiếp tục giảm khoảng 2.000 dòng thuế của hơn 20 nhóm hàng với mức tối đa cũng khoảng 2%.

Trên cơ sở biểu khung thuế nhập khẩu gồm 1.221 nhóm mặt hàng hiện hành, Bộ Tài chính đã ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi với 10.680 dòng thuế. Hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm có thuế suất cam kết thấp hơn mức trần. Do đó, biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi mới sẽ giảm mức thuế suất trần khung của 1.149 nhóm hàng, chiếm 94%.

Bên cạnh đó, giảm mức thuế suất sàn khung của 202 nhóm hàng, chiếm khoảng 16,5% trong biểu khung để thực hiện cam kết gia nhập WTO và lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong điều kiện thực hiện các cam kết quốc tế. Ông Hà Huy Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cũng cho rằng việc giảm thuế này cũng góp phần giảm chi phí đầu vào đối với những nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Không những người tiêu dùng trong nước sẽ được thỏa sức lựa chọn với việc thị trường ngày càng phong phú, đa dạng, việc giảm thuế này cũng sẽ tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bởi với việc tham gia ngày càng nhiều của hàng ngoại sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất chủ động đầu tư công nghệ để cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt này sẽ phân định kẻ thắng và người bại trận. Thua cuộc chắc chắn là những doanh nghiệp lạc hậu, trì trệ với sản phẩm chất lượng thấp.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO:

Năm 2008, thị trường bán lẻ sẽ sôi động

Việc giảm gần 2.000 dòng thuế chắc chắn cũng tác động một phần đến ngân sách. Cách đây ba năm, thuế nhập khẩu có lúc đến 30% GDP, năm 2007 chỉ còn 15%. Xu hướng sẽ ngày càng giảm khi chúng ta cam kết giảm thuế theo lộ trình gia nhập, cam kết. Tuy nhiên, cái đạt được là kim ngạch buôn bán thì luôn tăng. Chúng ta tăng kim ngạch buôn bán tức là tăng thuế.

Tất nhiên việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì nó sẽ đi vào trật tự. Thế giới cũng phải trải qua giai đoạn đó, không riêng quốc gia nào.

Tôi rất bất bình với ngành ôtô vì nhà sản xuất kêu là giảm thuế sẽ gây khó cho họ nhưng tại sao nhu cầu thị trường rất lớn mà họ lại không đáp ứng? Chứng tỏ họ không bị đe dọa về sản xuất. Giá bán xe không hề giảm trong khi nhà nước giảm thuế. Như vậy, có yếu tố đầu cơ mà ta chưa kiểm soát tốt. Đó là bất hợp lý. Có những cái kêu không chính xác.

Năm 2008, sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ rất ráo riết khi năm 2009 chính thức họ sẽ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến. Có lợi thì họ chơi, khi không có lợi họ không đầu tư. Điều này tôi đã nói từ 2004, các doanh nghiệp phải nhanh chóng vào các lĩnh vực bán lẻ, siêu thị, mở nhanh dịch vụ. Các nhà kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ phải nhanh chóng đầu tư. Nếu ngồi lo thì sẽ rất nguy hiểm. Lo mà không làm thì dứt khoát thua. Các doanh nghiệp nên liên kết lại với nhau để hợp sức. Năm qua, sự ra mắt của Hiệp hội Bán lẻ là rất đáng mừng.

L.THANH

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm