VỤ TRANH CHẤP GIẢI PHÁP BƠM XI MĂNG:

Hiểu chênh nhau, khó bảo vệ doanh nghiệp

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30-12 có phản ánh vụ tranh chấp về giải pháp bơm xi măng. Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Phương Nga đã đăng ký bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích “Hệ thống chứa, bơm xi măng rời lên bờ...”. Đây là giải pháp dùng máy nén khí và các ống dẫn để tạo áp lực hút xi măng “chảy” trực tiếp từ nhà máy - theo ống dẫn này - xuống tàu và khi đến công trình thì có thể bơm ngược xi măng từ tàu - theo ống dẫn - ra bồn chứa xi măng của công trình.

Thời gian gần đây, Công ty Phương Nga phát hiện có hai công ty khác đang áp dụng giải pháp tương tự như giải pháp của mình trong hoạt động kinh doanh. Do đó, Công ty Phương Nga cho rằng hai công ty kia vi phạm quyền độc quyền về giải pháp hữu ích của mình.

Vụ tranh chấp này khá mới lạ nên ý kiến của các bên cũng như ý kiến của các nhà quản lý còn có độ vênh khá lớn.

Giải pháp đã có từ lâu đời?

Sáng qua, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, giám đốc của công ty bị cho là vi phạm cho rằng mình không vi phạm gì. “Giải pháp của Công ty Phương Nga đã có từ lâu đời, nhiều nơi đã ứng dụng chứ không có gì mới lạ, độc quyền cả!”

Hiểu chênh nhau, khó bảo vệ doanh nghiệp ảnh 1

Hệ thống bơm hút xi măng đưa xi măng vào bồn chứa hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Phương Nga, cho rằng một khi nói ra giải pháp rồi thì ai nấy đều thấy đơn giản quá! Thế nhưng sao không công ty nào nghĩ ra giải pháp này trước công ty chúng tôi? Thậm chí cũng là nén khí và bơm hút xi măng đấy nhưng bố trí máy như thế nào, đặt van ở đâu, điều chỉnh áp suất như thế nào... là cả một vấn đề kỹ thuật. Năm 2005, khi mới bắt đầu nghĩ ra giải pháp dùng máy nén khí để bơm hút xi măng, công ty cũng đã gặp trục trặc kỹ thuật khá nhiều. Khi thì máy bơm hút chậm, khi thì tốc độ bơm không đều, khi thì bị nghẽn vòi bơm... Công ty phải bỏ công nghiên cứu, làm đi làm lại, chỉnh sửa nhiều lần, mãi đến năm 2007 hệ thống này mới hoàn thiện và hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, cho biết việc đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích đều phải qua khâu thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ. Cục sẽ xem xét giải pháp đó có tính mới hay không, có tính sáng tạo hay không và có khả năng áp dụng công nghiệp hay không. Một khi sáng chế hay giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền thì người chủ bằng được độc quyền sử dụng, khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích này. Những đơn vị khác không có quyền bắt chước, nếu muốn sử dụng, áp dụng giải pháp này thì phải xin phép, phải mua mới được!

Tùy trường hợp mà đòi chứng cư

Ông Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, cho biết đối với việc xử lý vi phạm hành chính hành vi xâm phạm quyền độc quyền về nhãn hiệu hay kiểu dáng thì khá đơn giản và rất thường gặp. Bởi lẽ nhãn hiệu sẽ được in trên bao bì, còn kiểu dáng sẽ được thể hiện ở bản thân hình dáng sản phẩm. Do đó, bên độc quyền chỉ cần mua vài sản phẩm này trên thị trường là đã có trong tay chứng cứ vi phạm. Trong khi đó, việc sử dụng sáng chế hay giải pháp hữu ích lại được thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp, trong nhà xưởng của doanh nghiệp và bên độc quyền khó mà đưa ra được chứng cứ về hành vi vi phạm.

Trong khi đó, một cán bộ quản lý về sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho rằng bên yêu cầu xử lý vi phạm phải cung cấp chứng cứ chứng minh bên kia có hành vi vi phạm. Nếu không cung cấp chứng cứ mà vẫn có thể yêu cầu xử lý vi phạm thì sẽ sinh ra tình trạng vu oan, yêu cầu xử lý vi phạm tràn lan mà không có thật. Thậm chí ngay cả khi ra tòa thì cũng phải cung cấp chứng cứ chứng minh bên kia vi phạm chứ không thể đòi bên bị đơn cung cấp chứng cứ chứng minh sự trong sạch.

Tuy nhiên, một cán bộ quản lý khác lại cho rằng tùy trường hợp mà đòi chứng cứ. Với vi phạm nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp thì mới phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp nghi ngờ về vi phạm quyền độc quyền đối với sáng chế hay giải pháp hữu ích thì khó mà lấy được chứng cứ nên bên độc quyền có thể cung cấp thông tin về địa điểm xảy ra vi phạm và cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm tra, xác minh.

Nhiều giải pháp đơn giản cũng được bảo hộ

Một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ cho biết một số giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền. Ví dụ, giải pháp cực kỳ đơn giản là “cơ cấu bảo vệ đĩa CD”. Lâu nay, việc chồng các đĩa CD lên nhau sẽ khiến đĩa này va chạm vào đĩa khác và có thể gây trầy xước. Giải pháp này tạo thêm một đường gân mỏng lượn sóng chèn giữa hai đĩa, giúp hai đĩa có khoảng cách nhỏ với nhau, đủ để tránh trầy xước.

Thậm chí ông cho biết giải pháp hữu ích không nhất thiết phải là cái gì đó quá máy móc, quá kỹ thuật mà có thể chỉ đơn giản là để trang trí mà thôi. Ví dụ, có người đã đăng ký giải pháp làm búp bê từ mụn dừa. Búp bê có phần đầu được nặn từ mụn dừa, trên đầu được rắc hạt giống cỏ, thân búp bê có chỗ chứa nước. Nếu đổ nước vào thân búp bê thì phần mụn dừa sẽ hút nước và hạt cỏ gặp nước sẽ nảy mầm, tạo thành tóc cỏ cho búp bê. Loại búp bê này có thể được dùng để trang trí phòng khách, phòng ngủ, tạo cảm giác mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp gồm có: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Trong đó, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm (ví dụ: một viên thuốc chữa bệnh), hoặc quy trình (ví dụ: quy trình xử lý nước thải sao cho tiết kiệm và hiệu quả) nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Giải pháp kỹ thuật này có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế, hoặc dưới dạng giải pháp hữu ích. Nếu muốn được bảo hộ dưới dạng sáng chế thì giải pháp kỹ thuật này phải có trình độ sáng tạo, là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực đó. Trong khi đó, giải pháp hữu ích chỉ đòi hỏi “không phải là hiểu biết thông thường” chứ không đòi hỏi trình độ sáng tạo cao như sáng chế.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm