Hiểu luật khác nhau bị giữ tiền tỉ

Năm 2009, kiểm tra thuế Công ty Dinsen Việt Nam (100% vốn nước ngoài), Cục Thuế TP kết luận công ty này đã kê khai thuế để khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) của “phần nguyên phụ liệu do khách hàng chịu trách nhiệm cung cấp”, vi phạm Luật Thuế GTGT. Phần thuế khai dư khoảng 2,2 tỉ đồng.

Bị giữ tiền tỉ trong suốt năm năm

Dinsen có giải thích rằng lỗi đánh máy sai nên nhầm lẫn bên A, bên B và đã có phụ lục điều chỉnh sai sót này, Dinsen mới là bên phải mua nguyên phụ liệu chứ không phải khách hàng cung cấp. Để thực hiện hợp đồng gia công, chính Dinsen đã mua phần nguyên phụ liệu gồm thùng carton, chỉ may, keo dán, bao nylon của các công ty trong nước... và đều có hóa đơn hợp pháp nên phải được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, Cục Thuế vẫn ra quyết định xử phạt.

Công ty Dinsen phải nộp tiền, sau đó kiện ra tòa. Năm 2010, tòa sơ thẩm xử công ty này thắng kiện, hủy quyết định xử phạt của Cục Thuế TP. Tuy nhiên, bản án này không nhắc đến việc Cục Thuế phải hoàn trả tiền thuế mà Dinsen đã nộp. Đến phiên phúc thẩm cuối năm 2010, tòa phúc thẩm lại tuyên sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, giữ nguyên quyết định xử phạt của Cục Thuế. Tòa phúc thẩm cho rằng nếu Dinsen có mua nguyên phụ liệu thì các bên “phải tăng đơn giá gia công” của hợp đồng lên mới thỏa đáng.

 
Doanh nghiệp làm thủ tục kê khai thuế tại Cục thuế TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Dinsen giải thích rằng hợp đồng nguyên tắc không quy định cụ thể gia công sản phẩm nào, đơn giá bao nhiêu mà chỉ quy định giá 1,4-5 USD. Hợp đồng này giúp Dinsen biết nguồn hàng trong một năm để lập kế hoạch sản xuất. Khi nhận đơn hàng với mặt hàng cụ thể thì hai bên mới thỏa thuận đơn giá gia công. Ví dụ, trong một phụ kiện hợp đồng, công ty thỏa thuận đơn giá CMPT (C: Cutting, là cắt; M: making, là gia công; P: Packing, là đóng gói; T: Thread, là các loại chỉ may), như vậy đơn giá này đã bao gồm các nguyên phụ liệu như thùng carton, chỉ may, keo dán, bao nylon, nghĩa là Dinsen phải mua các nguyên phụ liệu này.

Năm 2011, Dinsen có đơn đề nghị TAND Tối cao giám đốc thẩm và giữa năm 2013, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị, đề nghị xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm, giao TAND TP.HCM xử sơ thẩm lại. Trong quyết định, chánh án TAND Tối cao cho rằng nhận định của tòa phúc thẩm về việc “phải tăng đơn giá gia công” là không có cơ sở chấp nhận vì thỏa thuận về giá gia công sản phẩm là ý chí tự nguyện của các bên và không trái quy định của pháp luật. Đến nay vụ việc vẫn chưa được xử giám đốc thẩm. Đã năm năm Dinsen mỏi mòn chờ trả lại tiền đã nộp.

Mỗi bên hiểu một phách

Mới đây, Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) thắng liên tục hai vụ kiện ở phiên sơ thẩm, một vụ kiện Cục Thuế TP.HCM, một vụ kiện Thanh tra Bộ Tài chính, đều liên quan đến việc áp dụng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN). Trong vụ kiện Cục Thuế TP, Maseco cho rằng mình được hưởng thuế suất ưu đãi 20% cho đến hết năm 2011, còn Cục Thuế cho rằng từ năm 2007 trở đi Maseco phải nộp thuế TNDN với thuế suất 28%.

Maseco viện dẫn Thông tư 134/2007 là DN “đang hưởng ưu đãi... thì tiếp tục hưởng... không quá năm 2011”. Còn Cục Thuế thì cho rằng Maseco là DN nhà nước cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không được xem là “cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư” nên không được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy hết năm 2006, Maseco hết được ưu đãi miễn, giảm thuế theo giấy chứng nhận thì từ năm 2007 Maseco phải áp dụng thuế suất TNDN thông thường 28%. Do công ty đã khai nộp thuế theo thuế suất 20%, nay tính lại thuế suất thông thường là 28% nên Cục Thuế truy thu trên 1,5 tỉ đồng thuế TNDN năm 2007 và gần 3,1 tỉ đồng thuế TNDN năm 2008.

Vấn đề gây ngạc nhiên là có một công văn năm 2006 của Tổng cục Thuế khẳng định cho Maseco là “thuế suất năm 2003 là 25%, năm 2004 là 20%”.

Tòa sơ thẩm đã tuyên Maseco thắng kiện. Ngày 19-3, Cục Thuế có đơn kháng cáo. Trong đó Cục có trình bày quan điểm liên quan đến cách tính thời hạn hưởng ưu đãi. Cục viện dẫn Thông tư 98/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn về ưu đãi đầu tư, theo đó thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi là thời gian được miễn thuế, giảm thuế. Như vậy, trường hợp Maseco đã miễn thuế hai năm 2001 và 2002, giảm thuế trong bốn năm 2003, 2004, 2005, 2006 thì từ năm 2007 áp dụng thuế suất thông thường.

Vụ việc vẫn chưa xử dứt điểm, trong khi Maseco đã nộp trên 5 tỉ đồng để thực hiện một phần quyết định xử phạt của Cục Thuế, tiền bị “giam” càng lâu thì DN càng khó khăn về vốn.

QUỲNH NHƯ

 

Cơ quan thuế hướng dẫn sai, DN không bị phạt

Theo ý kiến của tôi, trường hợp cơ quan thuế có văn bản hướng dẫn sai cho DN, khiến DN nộp thuế sai, khi phát hiện có nộp thiếu so với quy định của luật, nghị định thì DN vẫn phải nộp thêm thuế cho đúng luật, nghị định. Tuy nhiên, đây không phải lỗi của DN mà do cơ quan thuế hướng dẫn sai nên DN chỉ nộp thêm thuế mà không bị phạt tiền, không bị phạt chậm nộp.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm