Hỗ trợ lãi vay trung và dài hạn: Không giới hạn số tiền vay

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất là ngày 10-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công thương hoàn thiện các dự thảo quyết định của Thủ tướng về thực hiện hỗ trợ lãi suất năm 2010.

Theo đó, tiếp tục triển khai trong năm 2010 việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng giao các bộ xem xét việc điều chỉnh, bổ sung về mức hỗ trợ, đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất cho phù hợp với thực tế và công bố trong thời gian tới.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, nhà quản lý xung quanh quyết định này.

Hỗ trợ lãi vay trung và dài hạn: Không giới hạn số tiền vay ảnh 1

Nông dân là một trong những đối tượng được cho vay hỗ trợ 4% lãi suất để mua máy móc sản xuất. Ảnh: HTD

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam:

Ngân hàng sẽ lúng túng trong việc xét duyệt

Theo như quyết định nêu trên, chính sách cho vay hỗ trợ năm 2010 sẽ tập trung hỗ trợ 4% lãi suất cho vay đối với những công trình sử dụng nhiều lao động và đối tượng cho vay là nông dân để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất như máy cày, máy gặt... Chính sách sắp tới cần phải chỉnh sửa trong hướng dẫn mới nhất để sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả, đặc biệt là vốn cho vay sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn trong 24 tháng, bắt đầu từ tháng 4-2009 nhưng thực tế hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng danh mục máy móc được hỗ trợ (do Bộ Công thương ban hành) khiến các ngân hàng rất lúng túng trong việc xét đối tượng được hỗ trợ... Những máy móc nhập khẩu hoàn toàn thì đương nhiên là không được hỗ trợ vốn vay lãi suất. Còn lại các máy móc có tỉ lệ nội địa hóa là bao nhiêu thì mức hỗ trợ cần quy định rõ ràng để khuyến khích sản xuất trong nước.

Để nguồn vốn hỗ trợ được giải ngân đúng địa chỉ, kịp thời và sử dụng hiệu quả, theo tôi điều quan trọng nhất là người cần vay phải trình bày rõ ràng các phương án đầu tư, dự án đầu tư. Chủ trương chúng ta đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa trong máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, do vậy những doanh nghiệp được giao sản xuất máy móc thì cần cam kết thời gian có thể có sản phẩm ra thị trường để trên cơ sở đó còn xét cho vay. Đó là những ách tắc rất rõ phải giải quyết ngay.

Tôi tin rằng sau khi Chính phủ giao cho các ngành rất gấp như thế thì tất cả vấn đề tồn tại trong hỗ trợ năm 2009 phải được giải quyết trước khi chúng ta đưa ra chính sách hỗ trợ vay vốn năm 2010.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính):

Hướng đến cho vay trung và dài hạn

Trước đây, khi hoàn thiện Quyết định 443 cho vay sản xuất nông nghiệp, nhiều bộ, ngành cũng thừa nhận cơ quan nhà nước mới chỉ nhắm đến người trồng lúa với mức 7 triệu đồng/ha. Sau đó, trong quá trình triển khai thì mới nhận thấy là người trồng cà phê, cao su hay cả người nuôi trồng thủy sản... cũng rất cần vốn.

Để vốn lãi suất hỗ trợ đến đúng đối tượng, giải ngân nhanh, theo tôi cần phải có chính sách đồng bộ. Tức là người vay phải thuyết minh được các yếu tố sẽ được đảm bảo như nguyên liệu sản xuất, phương án sản xuất, đầu ra cho sản phẩm...

Các chính sách thời gian tới của chúng ta đều hướng vào mục tiêu trung và dài hạn, tức là làm thế nào để cho các doanh nghiệp phát triển bền vững chứ không phải giải cứu ngắn hạn như năm 2009 khi họ đang mắc trong khủng hoảng kinh tế.

Qua thảo luận với các bộ, ngành, hướng bây giờ là chính sách mới sẽ giao cho các ngân hàng tự thẩm định. Đơn cử sẽ bỏ hạn mức cho vay sản xuất nông nghiệp tối đa 7 triệu đồng/ha. Các ngân hàng tự thẩm định dự án trồng cao su hay cà phê với 20 triệu đồng/ha hay cao hơn.

Nói tóm lại, số tiền được vay sẽ không giới hạn. Ngân hàng sẽ tự thẩm định và phê duyệt số vốn cho vay là bao nhiêu. Hay vay vốn để xây nhà chẳng hạn, theo quy định, tối đa 50 triệu đồng/hộ. Nhưng theo hướng mới sẽ không giới hạn số vốn này, có thể tăng lên để người dân đủ tiền xây nhà bởi khó có trường hợp vay vài trăm triệu đến tỉ đồng để xây biệt thự ở nông thôn. Do vậy, đó là kinh nghiệm khi xây dựng chính sách, cơ quan quản lý nhà nước không nên quá thận trọng.

Giá cả năm 2010 có thể sẽ nhích lên

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, chúng ta phải rất chú ý bởi tất cả điều chỉnh chính sách trong thời gian qua như điều chỉnh mặt bằng lãi suất, tỉ giá... sẽ có thể gây nguy cơ tái lạm phát trong năm 2010. Dự báo là giá thành sang năm sẽ có nhích lên, đặc biệt là quý I, II.

Bên cạnh đó, cộng thêm yếu tố tăng lương, cung tiền sẽ tăng. Khi tiền đưa ra không có hiệu quả, không được kiểm soát thì rất đáng lo ngại. “Tuy nhiên, tôi cho rằng với những kinh nghiệm mà chúng ta đã có, Việt Nam sẽ xử lý được vấn đề lạm phát dù lượng tiền sẽ bơm ra để phục vụ sản xuất nhằm khôi phục kinh tế” - ông Kiêm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm