Hoàn thiện các thủ tục để EVFTA đi vào thực thi

Ngày 20-4, Bộ Công Thương cho biết đến nay đã hoàn tất bộ hồ sơ trình Chính phủ và Chính phủ cũng đã trình Chủ tịch nước để xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) theo đúng các quy trình, thủ tục của luật hiện hành.

Bộ này cũng đã dự thảo các nội dung chính của kế hoạch hành động của Chính phủ chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm năm nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm và an sinh xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự thảo kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.

Bộ Công Thương cho biết bộ cũng đã chủ động ban hành kế hoạch của Bộ về việc triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA từ nay cho đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực để bảo đảm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi sau này.

Nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo đó kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.

Trước đó, vào ngày 12-2, Nghị viện châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA. Ngày 30-3, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm và an sinh xã hội, giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. 

Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: Dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thủy (0,9% vào năm 2025).

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm