Khách hàng ham lãi suất cao, lợi bất cập hại

Khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, tham gia dự thưởng hưởng lãi suất cộng thêm, ngoài số tiền gửi đảm bảo tối thiểu theo quy định phải cam kết không rút trước thời hạn. Từ đó đã xảy ra những chuyện dở khóc dở mếu.

Đơn cử như chị Hạnh, mếu sau khi gửi tiền xong. Thường vào cuối tháng vợ chồng chị sẽ chuyển tiền cho con trai đang du học năm thứ 2 ở Singapore. Chị định gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi hưởng lãi suất cao. Phần kinh phí gửi cho con sẽ lấy từ lợi nhuận kinh doanh của công ty gia đình.

Chị Hạnh cho biết: "Không ngờ kế hoạch kinh doanh công ty thay đổi cần tiền gấp để giải quyết. Tiền thì tôi đã gửi hết vào ngân hàng cam kết không rút trước hạn. Không có tiền gửi cho con, tôi như ngồi trên đống lửa, không biết xoay trở thế nào, đành phải thương lượng lại với ngân hàng để được hướng dẫn thủ tục xin vay lại với mức lãi suất chóng mặt”.

Để hưởng mức lãi suất 19,02% một năm (hơn 1,5% mỗi tháng) tại một ngân hàng trên đường Trần Hưng Đạo, chị Ánh Tuyết (ngụ phường Cầu Kho, quận 1) đã phải làm bản cam kết với nhà băng sẽ không rút trước hạn 12 tháng. Điều khoản ghi rõ trên hợp đồng: "Vi phạm cam kết khách hàng phải bồi hoàn những phí tổn cho ngân hàng".

"Vừa qua, chuyến hàng nhập về bán không được bị thua lỗ nặng, nhà băng lại không cho rút trước hạn. Không còn cách nào khác gia đình tôi phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi”, chị Tuyết cho biết.

Tuỳ vào sự tính toán cân nhắc các khoản chi dùng mà khách hàng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm phù hợp. Ảnh: Tần Vy.

Tuỳ vào sự tính toán cân nhắc các khoản chi dùng mà khách hàng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm phù hợp. Ảnh: Tần Vy.

Mức lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng gửi tiền cam kết không rút vốn trước hạn tại các ngân hàng thời điểm này hầu hết xấp xỉ 19% một năm hoặc cao hơn.

Trong tình hình lãi suất các ngân hàng liên tục được điều chỉnh, nhà băng không ngừng đua tăng đẩy mức lãi lên cao đã làm cho "máu đầu cơ" của nhiều người dâng cao theo. “Không thể phủ nhận trong tình hình hiện nay, gửi tiền tiết kiệm hưởng lãi cao là một hình thức đầu cơ”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại TP HCM nhìn nhận.

Ông này phân tích: Biểu hiện của tình trạng “đầu cơ lãi suất” là một nhóm người tập trung vào các kỳ hạn tuần hoặc tháng, 1- 2 tuần, thậm chí gửi tiền qua đêm (24 giờ) để nhanh chân rút tiền ra gửi lại khi ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Hoặc tùy vào sự cân nhắc tài chính, tính toán nhu cầu trang trải các khoản chi dùng, mua sắm, một số người chọn những sản phẩm tiết kiệm dự thưởng được tính lãi suất cộng thêm nhưng bị khống chế thời gian rút vốn.

Theo ông, khi tung ra mức lãi suất cao để thu hút khách hàng gửi tiền có kỳ hạn, kèm theo điều kiện không rút vốn trước hạn, mục tiêu của ngân hàng là duy trì thu hút vốn ổn định, không muốn chạy theo hướng đầu cơ huy động vốn cũng như tình trạng người gửi tiền sử dụng lãi suất ngân hàng như một hình thức đầu cơ kiếm lợi nhuận, gây rối loạn thị trường.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại có hội sở tại quận 1 cũng tiết lộ, tháng nào cũng có chừng chục khách hàng xin rút trước hạn được nhà băng chấp nhận vì những trường hợp bất khả kháng: người nhà nhập viện, gia đình xảy ra sự cố, cần tiền cho con du học… Khách hàng sẽ được hướng dẫn làm thủ tục xin vay lại khoảng 90% số tiền trong sổ tiết kiệm với mức lãi vay thoả thuận.

"Đối với trường hợp chưa đến ngày đáo hạn, người gửi viện lý do xin rút để mang đến gửi nhà băng khác lãi cao hơn, thậm chí rút rồi gửi lại ngay tại ngân hàng để hưởng mức lãi vừa mới được điều chỉnh tăng, sẽ không được chấp nhận”, vị lãnh đạo này nói.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho rằng, cuộc chạy đua lãi suất vừa qua đã gây mất ổn định thị trường. Người gửi chạy theo mức lãi suất tăng cao rút tiền trước hạn gây lúng túng cho các nhà băng. Thói quen rút tiền trước kỳ hạn của người dân sẽ tác động không tốt đến hoạt động của ngành ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng HongKong - Thượng Hải (HSBC) đã áp dụng phạt rút trước hạn đối với một khách hàng gửi tiền tại nhà băng. Mức tiền phạt lên đến 50 triệu khiến nhiều người gửi tiết kiệm xôn xao.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo HSBC cho biết, đối với khối khách hàng doanh nghiệp, tùy mức tiền, kỳ hạn gửi, ngân hàng này sẽ áp dụng mức lãi suất cụ thể. Trường hợp khách hàng không thực hiện đúng cam kết, chưa đến ngày đáo hạn đã có yêu cầu rút tiền, HSBC căn cứ vào lãi suất cho vay của các nhà băng trên thị trường thay đổi từ lúc khách gửi tiền cho đến lúc rút ra, để tính mức phí tổn phù hợp.

"Trong trường hợp khách hàng rút tiền trước hạn, HSBC sẽ áp dụng chính sách giảm lãi trả tương ứng. Nếu việc rút tiền trước hạn đã cam kết gây cho ngân hàng những chi phí và tổn thất, HSBC có thể phải áp dụng một khoản phí cần thiết đối với khách hàng nhằm bù đắp những tổn thất hoặc phí tổn đó", đại diện HSBC cho biết.

Đại diện HSBC cho hay, đối với nhóm khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng rút tiền trước hạn, ngân hàng sẽ linh hoạt cho hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Với những người gửi tiền để thu lợi nhuận, mức lãi gửi không kỳ hạn "có cũng như không". Tuy nhiên, "như vậy vẫn đỡ hơn bị phạt tiền hoặc phải vay lại của ngân hàng với lãi suất cao", một khách hàng đã từng "đua" lãi suất, khi gặp sự cố trong công việc làm ăn không xoay trở kịp, đã thấm thía chia sẻ.

Theo Tần Vy ( VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm