Không doanh nghiệp nào dám bao tiêu sản phẩm dài hạn cho nông dân

Ngày 10-11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&ĐT, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Quyết định 62/2013 củaThủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Theo các Sở NN&PTNT, khó khăn lớn nhất trong liên kết tiêu thụ nông sản là đầu ra, không doanh nghiệp nào dám lập ra đề án bao tiêu dài hạn cho nông dân, vì thị trường có nhiều biến động.Khó khăn nữa là nông dân không thể bán trực tiếp cho doanh nghiệp mà phải thông qua nậu vựa, thương lái. Một số nậu vựa còn tạo điều kiện cho thương lái nước ngoài thu mua hải sản, trốn tránh được thuế và các trách nhiệm khác đối với ngư dân. Cần có chế tài xử lý vi phạm hợp đồng, nâng mức kinh phí hỗ trợ, mức liên kết càng cao thì mức hỗ trợ càng nhiều.

Theo ông Vũ Minh Tú - Vụ trưởng Vụ HTX, Bộ KH&ĐT, cần khuyến khích mạnh mẽ việc thành lập, tổ chức lại hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX phù hợp với quy định của Luật HTX năm 2012; mở rộng hình thức liên hiệp HTX quy mô vùng và quốc gia, nhất là ở lĩnh vực tín dụng, nông nghiệp; khuyến khích thành lập HTX quy mô lớn thông qua hợp nhất, sáp nhập HTX. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thông qua tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; chế biến sản phẩm.

Đồng quan điểm, đại diện Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi hoặc thay thế quyết định bằng quyết định khác có phạm vi, đối tượng mở rộng trong các ngành hàng. Cần có chế tài xử lý vi phạm trong hợp đồng cung cấp sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tiêu thụ chế biến sản phẩm. Đồng thời nâng mức kinh phí hỗ trợ theo mức độ hợp tác liên kết, mức độ liên kết càng cao thì hỗ trợ càng nhiều. Đặc biệt hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để doanh nghiệp, người sản xuất được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm