Không thể để “chợ” lãi suất tồn tại

Cuối tháng 12-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2012 với mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới 10%, đồng nghĩa với việc kéo lãi suất huy động xuống tương đương. Điều này liệu có làm giảm sức huy động vốn trong dân?

Thêm nữa, những ngày gần đây, thông tin một số ngân hàng huy động vốn vượt trần lãi suất càng gây nên sự lo ngại: mục tiêu lãi suất 10% của NHNN liệu có đạt được?

Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành (ảnh) nói: “Không đáng lo việc huy động vốn. Việc kéo giảm lãi suất huy động nằm trong tay NHNN, nhất quyết không thể để lãi suất thị trường tồn tại”.

Nền kinh tế đang mất cân đối

. Ông đánh giá như thế nào về chính sách điều hành tiền tệ trong năm 2011 của NHNN, thưa ông?

Không thể để “chợ” lãi suất tồn tại ảnh 1
+ TS Bùi Kiến Thành: Điểm nhấn trong năm 2011 là Chính phủ ra Nghị quyết 11 với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2011, lượng tín dụng chảy vào sản xuất, kinh doanh rất ít, mà chảy vào bất động sản quá nhiều, dẫn đến mất cân đối nền kinh tế.

. Như vậy, chính sách điều hành hoạt động tín dụng đang có vấn đề chưa hợp lý?

+ Thị trường bất động sản đang có sự chuyển hướng nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. 90% người dân không có tiền để mua nhà vì giá cao. Chúng ta không có hệ thống tín dụng bất động sản. Nhiều nước họ có hẳn hệ thống tín dụng này nên mỗi lần mua nhà người dân chỉ cần có 30%-40% số tiền, phần còn lại thì ký hợp đồng vay tiền dài hạn để được tài trợ.

Ngoài ra, những điều chỉnh về chính sách tiền tệ vừa qua đã làm xáo trộn tình hình kinh tế. Việc sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, nhiều DN “đắp chiếu” vì thiếu vốn. Một nền kinh tế mà có 50% DN khó khăn, 30% DN đứng trước bờ vực phá sản là nền kinh tế ốm yếu. Do vậy, năm 2012, Nhà nước phải nhìn nhận thực tế đó để tạo điều kiện cho DN phát triển tốt.

Không thể để “chợ” lãi suất tồn tại ảnh 2

Hiện nay, mức lãi suất dành cho người gửi tiền không đồng đều. Ảnh: HTD

DN lao đao vì lãi suất cao

. Mới đây, thống đốc NHNN đã đưa ra mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10%, tăng trưởng tín dụng 15%-17%. Quan điểm của ông về thông điệp này?

+ Thực ra đây không phải là điều gì mới mẻ. Cuối năm 2010, Thủ tướng từng nói: “Nhiệm vụ chính trị của chính sách tiền tệ là phải rút lãi suất xuống”, nhưng trong năm 2011 chúng ta lại đẩy lên cao. Một số người cho rằng do tăng trưởng tín dụng quá nóng nên phải dùng lãi suất để hãm tăng tín dụng. Điều này không đúng, không hiệu quả. Có một nghịch lý là chúng ta hãm tăng trưởng tín dụng gần 20% nhưng lãi suất cho vay lại trên 20%.

. Theo ông, điều kiện cần và đủ để NHNN thực hiện thành công mục tiêu trên?

+ Bên cạnh chính sách tiền tệ, việc kiểm soát giá tiêu dùng (CPI) cũng rất khó. Chúng ta cứ nhìn CPI mà hô lạm phát cao là chưa đủ mà phải hiểu rằng lạm phát là lạm dụng quyền phát hành giấy bạc. Mặt khác, nguyên nhân làm cho giá tiêu dùng tăng là do chi phí phân phối, phải lưu thông qua nhiều “cửa ải” nên bắt buộc DN phải tăng giá bán để bù vào chi phí.

Tiếp đến là điều hành lãi suất, lãi suất cao khiến DN tăng chi phí sản xuất, đẩy giá lên. Ở các nước, họ dùng lãi suất cao để hạn chế tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng giúp giảm cầu, giá bán sản phẩm co lại. Ở VN, tín dụng tiêu dùng lại không được áp dụng mà hơn 90% tín dụng lại đánh vào DN, từ đó dẫn đến hiệu ứng dây chuyền tăng giá. Nếu Chính phủ và NHNN dựa trên những nguyên nhân đó để thực hiện kiềm chế lạm phát thì tỉ lệ thành công sẽ cao.

Mục tiêu tốt nhưng chưa rõ bước thực hiện

.Cũng theo NHNN, song hành với mục tiêu giảm lạm phát dưới 10% là việc kéo lãi suất huy động xuống con số tương đương…

+ Nếu NHNN làm được điều đó thì quá tốt nhưng cái chính là thực hiện các bước ra sao thì chưa thấy thống đốc đưa ra. Thời gian qua, chúng ta ấn định lãi suất huy động 14% mà lãi suất cho vay đến hơn 20%, thực chất đó là lãi suất thị trường. Trong khi đó, NHNN có đủ cơ sở pháp lý để kéo giảm lãi suất. Chẳng hạn, để không cho lãi suất huy động trên 10%, Nhà nước có thể dùng luật pháp bởi pháp luật dân sự đã chỉ rõ: Không cho bất kỳ tổ chức tín dụng nào huy động với lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản. Thay vì để lãi suất thị trường, NHNN áp dụng lãi suất cơ bản mức 5%-6% thì các tổ chức tín dụng chỉ được áp dụng lãi suất ở mức 9%. Nếu tổ chức tín dụng nào vượt quá thì sẽ phạt, cảnh cáo, truy tố, rút giấy phép.

. Nhưng nhiều người lo ngại với lãi suất huy động thấp, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng khiến ngân hàng thương mại (NHTM) khó huy động vốn?

+ Nếu NHTM nào kêu lãi suất thấp không đủ thanh khoản thì cứ đến NHNN. Việc bảo đảm lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển là nhiệm vụ của NHNN. Nghị quyết 11 đã nêu cần ưu tiên cho tín dụng sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, NHTM phải có trách nhiệm giám sát từng dự án để tín dụng không chảy sai mục đích, đồng thời giải ngân theo tiến độ để phòng ngừa chuyện DN dùng tiền đó đầu tư vào mục đích khác. Tôi xin lấy ví dụ, NHTM không huy động được tiền trong dân với mức lãi suất 10% thì NHNN sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho NHTM với lãi suất thấp, chẳng hạn 3%, sau đó NHTM sẽ cho vay lại với lãi suất 7%-8%. Cả thế giới đều theo phương pháp này. Thậm chí, NHTM không nên sợ chuyện người dân rút tiền vì lãi suất huy động thấp. Người dân có quyền rút tiền nhưng rút về để làm gì, trong khi gửi ngân hàng vẫn được hưởng lãi suất và ít rủi ro.

. Xin cảm ơn ông.

Thường cuối năm là thời điểm nền kinh tế đang rất khát tín dụng, để lãi suất giảm tiếp và bền vững thì phải phụ thuộc vào tình hình lạm phát trong quý I, II-2012.

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tư vấn cao cấp, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN

Hiện tình hình các ngân hàng diễn biến như cái chợ, người này gửi tiền được hưởng lãi suất 10 đồng, người kia được 12 đồng, người nữa được 14, 16 đồng…

Ông TRẦN MINH TUẦN, Phó Thống đốc NHNN, phát biểu tại hội nghị ngày 10-1

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm