Khu kinh tế mở hay KCN?

Hội thảo khoa học “Khu kinh tế mở Chu Lai sau sáu năm xây dựng” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tạp chí Cộng Sản và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức ngày 18-12 tại tỉnh Quảng Nam.

Không đạt mục tiêu ban đầu

Ngày 27-9-2002, Bộ Chính trị có Thông báo số 79 về xây dựng Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai. Theo đó, xây dựng khu kinh tế động lực miền Trung, bao gồm Khu kinh tế Dung Quất và Khu KTM Chu Lai là chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị. Theo văn bản này, cần dành cho Khu KTM Chu Lai những cơ chế, chính sách ưu đãi nhất, đồng thời nghiên cứu đề xuất thêm những cơ chế, chính sách cần thiết khác (có thể cho phép làm thí điểm nếu chưa có quy định, hay không phù hợp với các quy định hiện hành).

Khu kinh tế mở hay KCN? ảnh 1

Cảng Kỳ Hà chỉ có thể đón tàu nhỏ ra vào. Ảnh: HỮU KHÁ

Quyết định 108/2003 của Thủ tướng cũng ưu đãi cho Khu KTM này: Áp dụng các thể chế, cơ chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Áp dụng các mô hình, động lực mới, khắc phục những vướng mắc trong chính sách và cơ chế quản lý kinh tế hiện hành trong khi chưa có điều kiện thực hiện trên phạm vi cả nước. Việc xây dựng Khu KTM Chu Lai là để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam, góp phần tạo động lực phát triển toàn bộ khu vực miền Trung.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải thì mục tiêu ban đầu chưa đạt được, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn. Khu KTM Chu Lai thực chất là khu công nghiệp quy mô lớn.

Chủ trương rộng, chính sách hẹp

Theo ông Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai thì nguyên nhân cơ bản là do cơ chế đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước cho Chu Lai không ổn định.

Theo Quyết định số 108 của Thủ tướng thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho đầu tư hạ tầng cho Khu KTM Chu Lai tương ứng với 100% số thu phát sinh trong vòng 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ được thực hiện trong một năm. Đến năm 2003, Chính phủ ban hành Quyết định 185 bãi bỏ quy chế này trên toàn quốc, chuyển cơ chế cấp phát ngân sách theo danh mục đầu tư phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án. Điều đó khiến nguồn vốn từ ngân sách giảm đột ngột từ 500 tỉ đồng xuống còn 100 tỉ mỗi năm, khiến Khu KTM Chu Lai không đủ vốn để bố trí cho các công trình đang thi công dở dang.

Từ 2006 đến nay, nhiều công trình buộc phải dãn tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Đến nay, hạ tầng Khu KTM Chu Lai vẫn còn rất yếu kém. Sân bay Chu Lai được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế nhưng hiện tại chỉ là sân bay nội địa với bốn chuyến/tuần, cảng Kỳ Hà còn quá nhỏ bé để tàu lớn có thể ra vào.

Theo ông Thanh, chủ trương của Bộ Chính trị là thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, có thể vượt ngoài quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, điều đó không thực hiện được do khung pháp lý của Khu KTM Chu Lai được ban hành bởi một quyết định của Thủ tướng, có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản pháp luật khác và không ổn định. Đến nay, cơ chế ưu đãi cho Chu Lai cũng chỉ được áp dụng như đối với khu vực đặc biệt khó khăn.

Thử so sánh, các dự án đầu tư vào huyện Núi Thành nếu không có Khu KTM Chu Lai thì vẫn được hưởng ưu đãi do đây là khu vực đặc biệt khó khăn. Tư tưởng ban đầu là Chu Lai phải mang tầm quốc tế nhưng thực tế thời gian qua hoàn toàn mang tính chất địa phương, tự mò mẫm cách làm, tự xin cơ chế, quy hoạch chưa tiên tiến, thiếu chuyên gia giỏi. Vì vậy, có ý kiến cho rằng Khu KTM Chu Lai là “khu kinh tế mở địa phương”.

Theo thống kê, đến thời điểm này, Khu KTM Chu Lai chỉ có 54 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đăng ký trên 900 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tỉnh Quảng Nam cần đề nghị Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc bằng việc ban hành những khung pháp lý rộng mở phù hợp với thực tế của khu kinh tế này.

HỮU KHÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm