“Khủng hoảng tài chính Mỹ là bài học lớn về kiểm soát rủi ro”

Ông Ayumi Konishi cho rằng việc cho vay bất động sản dưới chuẩn của Mỹ và cho vay bất động sản tại Việt Nam không có mối liên hệ rõ rệt nào - Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Ayumi Konishi cho rằng việc cho vay bất động sản dưới chuẩn của Mỹ và cho vay bất động sản tại Việt Nam không có mối liên hệ rõ rệt nào - Ảnh: Việt Tuấn.

Thưa ông, những ngân hàng hàng đầu của Mỹ với bề dày hoạt động cả trăm năm nhưng vẫn bị đổ vỡ, bài học rút ra về quản trị rủi ro ở đây là gì?

Tôi không có ý chỉ trích hay phê bình hệ thống tài chính của Mỹ nhưng với câu hỏi của bạn đặt ra, tôi nghĩ rằng, đối với bất kỳ một ngân hàng nào dù lớn và nhiều kinh nghiệm đến đâu, kể cả những thị trường tài chính phức tạp, tinh vi như ở Mỹ thì khi xây dựng, phát triển một sản phẩm mới, bao giờ cũng có rủi ro.

Những rủi ro mà thị trường tài chính Mỹ đang vấp phải thật ra ít có can hệ đến thị trường tài chính Việt Nam và tôi cũng không tìm thấy nhiều nét tương đồng khi so sánh với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhưng đó vẫn là bài học lớn về sự kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Với quan sát từ bên ngoài, ông nhìn nhận hệ thống và hoạt động quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam so với các tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel ra sao?

Đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam, hiện đã có hệ thống quản lý rủi ro nhưng đã căn bản và nền tảng hay chưa thì câu trả lời là chưa.

Tương tự, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có đội ngũ nhân viên, cán bộ có đủ kỹ năng, năng lực quản lý các rủi ro của các ngân hàng đó chưa? Hệ thống quản lý rủi ro có thận trọng không? Hệ thống đánh giá thẩm định như thế nào?... Tôi có thể trả lời thế này: tất cả những vấn đề đó tại các ngân hàng Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn phát triển mà thôi.

Nếu có sự so sánh và nhận xét về vấn đề cho vay dưới chuẩn bất động sản tại Mỹ và cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam, ông sẽ nói gì?

Tôi cho rằng, việc cho vay bất động sản dưới chuẩn của Mỹ và cho vay bất động sản tại Việt Nam không có mối liên hệ rõ rệt nào, ngoại trừ ở một mức độ nào đó, những tác động tiêu cực của thị trường tài chính thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư tài chính nên gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam.

Giới quản lý và ngay cả các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chưa quen với khái niệm phá sản, sáp nhập ngân hàng. Điều này có thể xảy ra tại Việt Nam trong tương lai gần? Cơ quan quản lý Việt Nam đã chuẩn bị gì cho thực tế này?

Thời gian tới, tình hình tăng trưởng kinh tế sẽ giảm sút, hoạt động một số thị trường như bất động sản và một số mặt hàng khác sẽ đình trệ. Chẳng hạn, ở Tp.HCM giá nhà đất một số nơi đã giảm xuống 60%, vậy thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới bảng cân đối tài sản và hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng tại một số ngân hàng. Thực tế đã có một số ngân hàng nhỏ đã phải viện đến Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản. Tôi được biết, trong những tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải báo cáo hàng ngày những hoạt động của họ, đồng thời gia tăng kiểm soát các ngân hàng thương mại.

Tôi nghĩ, rủi ro cho toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung thì có lẽ cũng có nhưng ở mức độ rất thấp. Tất nhiên, sẽ có một số ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng biết rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa rủi ro cho cả hệ thống.

Chúng tôi cũng tin điều tồi tệ này không xảy ra.

Và muốn điều này không xảy ra thì phải có sự hỗ trợ của nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có giới truyền thông vì mối lo không chỉ dừng lại ở sự yếu kém của hệ thống ngân hàng có thể xảy ra mà chính là sự hoảng loạn trong dân chúng.

Việt Nam đang đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát trên mục tiêu tăng trưởng, theo ông, xu hướng này nên tiếp tục đến bao giờ?

Nếu năm 2009, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao, thậm chí cao hơn mức 6% như dự báo của chúng tôi thì cái giá phải trả ở đây là lạm phát và nhập siêu tăng cao. Rõ ràng, Chính phủ có quyền lựa chọn và chấp nhận đánh đổi, vấn đề là sự lựa chọn đó là gì.

Vì vậy, nếu thực hiện một chính sách tiền tệ lỏng lẻo thì sẽ góp phần tạo ra tổng cầu lớn và chính điều này góp phần làm cho lạm phát gia tăng. Những diễn biến của thị trường hàng hóa toàn cầu còn diễn biến khá phức tạp, do đó, nên tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng phải kết hợp với chính sách tài khóa để ngăn ngừa lạm phát trong trung hạn.

Theo NGUYỄN HOÀI ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.