Kích cầu du lịch cần Nhà nước hỗ trợ, tạo đà

Dù các công ty du lịch tung ra hàng loạt chương trình kích cầu, giảm giá rầm rộ và rộng khắp nhưng kết quả thu được chưa như mong muốn. Một trong những lý do quan trọng là họ không có cơ hội tiếp cận trực tiếp khách hàng.

Khó hồi phục vì muốn có khách bằng mọi giá

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, nhìn nhận thời gian này người dân đi du lịch sẽ được hưởng lợi rất nhiều vì giá tour hấp dẫn, giảm thật. Chẳng hạn tour du lịch trọn gói gồm cả vé máy bay khứ hồi từ TP.HCM đi Hà Nội - Hà Giang hoặc Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình bốn ngày ba đêm chỉ mất khoảng 5 triệu đồng, giảm gần 40% so với trước.

Tuy nhiên, các dịch vụ trong chuỗi cung ứng du lịch như nhà hàng, khách sạn, vận chuyển… cũng giảm giá nên người dân có thể mua trực tiếp với giá rẻ thay vì thông qua các công ty lữ hành. Bên cạnh đó, chỉ trừ một số công ty lớn khi làm việc với các hãng hàng không thì mới có chính sách giá tốt. Nếu DN nhỏ chưa có mối quan hệ thân thiết thì khó có được giá tốt từ khách sạn, điểm đến, hàng không để xây dựng sản phẩm phù hợp.

“Ví dụ một resort năm sao ở Phú Quốc có thể bán phòng cho công ty lớn giá 1,8-1,9 triệu đồng/phòng, trong khi DN nhỏ phải mua với giá 2,2 triệu đồng/phòng. Do đó nếu công ty lữ hành nhỏ bán được một tour trong thời điểm này chỉ giúp họ giảm lỗ để kéo dài sự tồn tại, chứ khó có thể phục hồi như mong đợi” - ông Thành giải thích.

Cùng nhìn nhận trên, ông Phạm Văn Du, Giám đốc Công ty Xuân Nam, đánh giá do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân thắt chặt chi tiêu. Mặt khác, khách đi du lịch hiện nay chủ yếu là giới trẻ và đi tự túc chứ không thông qua công ty du lịch.

“Với công ty lữ hành chỉ có được doanh thu khi khách mua tour trọn gói, nếu du khách đi tự túc nhiều thì họ sẽ không có doanh thu. Thế nên dù kích cầu du lịch rầm rộ nhưng nhiều công ty chưa thể sống lại. Mặt khác, kích cầu du lịch là Nhà nước phải chia sẻ, hỗ trợ, tạo đà cho DN như Thái Lan đã làm chứ kêu gọi DN hy sinh thì khó khả thi” - ông Du nói thêm. Đại diện một số công ty du lịch khác cũng cho biết tương tự.

Ông Nguyễn Đức Chí, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, phân tích: Kích cầu du lịch trong thời điểm hiện nay chủ yếu là để các công ty lữ hành tái khởi động và có thể duy trì sự sống. Tuy nhiên, thực tế lại xảy ra hiện tượng một số nhà cung ứng dịch vụ vì muốn có khách bằng mọi giá nên sẵn sàng giảm giá sâu, bán trực tiếp cho khách lẻ, cạnh tranh trực tiếp với giá phòng dành cho các công ty du lịch đang làm tour kích cầu.

“Đó là do chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ giữa lưu trú và các công ty lữ hành giai đoạn này không vận hành như trước khi xảy ra dịch vì ai cũng muốn có khách. Mặt khác, không có ràng buộc nào đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ là không được bán trực tiếp cho khách lẻ nên xảy ra hiện tượng cạnh tranh lẫn nhau” - ông Chí giải thích.

Để thu hút khách, một số công ty lữ hành đầu tư xây dựng sản phẩm mang nhiều tính trải nghiệm, mới mẻ. Ảnh: TÚ UYÊN

Phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng

Báo cáo mang tên “Dự định du lịch của khách Việt hậu COVID-19” của Công ty Nghiên cứu và tư vấn các giải pháp du lịch Outbox Consulting vừa công bố cho thấy 92% du khách Việt lựa chọn đi du lịch tự túc trong năm nay, đặc biệt là với các chuyến đi nội địa.

Nói thêm về xu hướng mới này, Giám đốc điều hành Outbox Consulting Đặng Mạnh Phước cho rằng hiện nay nhờ công nghệ nên khách hàng tiếp cận dịch vụ du lịch dễ dàng mà không cần thông qua các công ty lữ hành. Thậm chí có trường hợp du khách khảo sát giá trên các nền tảng du lịch trực tuyến rồi thỏa thuận giá trực tiếp với khách sạn. Khi nổi lên xu hướng khách đi du lịch không cần tour thì các DN lữ hành chắc chắn rất khó khăn.

Vì vậy, các công ty lữ hành cần chứng tỏ vai trò khác biệt của mình, đầu tư xây dựng sản phẩm mang nhiều tính trải nghiệm, mới mẻ. Đặc biệt, các công ty lữ hành cần thay đổi cách tiếp cận khách hàng theo hướng linh hoạt hơn. “Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho DN lữ hành dù nhỏ như giảm giá vé tham quan ở điểm đến” - ông Phước nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho rằng mục tiêu của kích cầu là đem đến những gì tốt nhất cho du khách. Đối tượng của DN là du khách, vì vậy phải tự thay đổi để du khách đến với mình. Thực tế ngoài một bộ phận du khách có xu hướng chọn du lịch tự túc, không cần mua tour từ các công ty du lịch thì vẫn có những đối tượng mua tour trọn gói chứ không hẳn họ rời bỏ công ty lữ hành.

“Chính vì vậy DN lữ hành muốn thu hút khách thì phải tạo ra sản phẩm mới mang bản sắc của riêng mình, để không bị áp lực phải giảm giá kích cầu bằng các tour truyền thống mà nhiều đối thủ cùng tung ra; đồng thời phải khẳng định sự chuyên nghiệp, uy tín, không nên chỉ dựa vào giảm giá” - ông Chí nhấn mạnh.

Giá tour kích cầu bắt đầu tăng

Một số công ty du lịch cho hay: Từ đầu tháng 5, sau khi lệnh giãn cách nới lỏng, các đơn vị nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… giảm giá sâu đến 50%. Một số hãng hàng không cũng tung ra vé giá 0 đồng. Nhờ vậy, DN lữ hành mới xây dựng được các tour giảm giá 50%-60%.

Tuy nhiên, thời điểm này đang bắt đầu vào hè, Việt Nam cũng đang trong trạng thái kinh doanh bình thường mới nên các đơn vị cung ứng dịch vụ dù vẫn tung ra các chương trình khuyến mãi nhưng không sâu như trước đây, thậm chí bắt đầu tăng trở lại. Ví dụ tour Phú Quốc ba ngày hai đêm, lưu trú ở khách sạn 3-5 sao lên khoảng 3,3 triệu đồng trở lên, thay vì chỉ 2 triệu đồng như trước. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.