Kích cầu vào nông thôn là hiệu quả nhất

Sáng qua, Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tổ chức buổi tọa đàm về chính sách kích cầu. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR - thuộc Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng kích cầu vào tiêu dùng ở khu vực nông thôn sẽ cho hiệu quả cao nhất.

Chọn ba ngành lan tỏa

Vấn đề được quan tâm và thảo luận nhiều trong thời gian gần đây là gói giải pháp kích cầu của Chính phủ nên nhắm đến đối tượng nào. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã trình bày nghiên cứu của CEPR, chỉ ra rằng trong những giai đoạn trước, kích cầu vào đầu tư sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhưng trong giai đoạn hiện nay, kích cầu vào tiêu dùng ở khu vực nông thôn sẽ kích thích sản xuất chung nhiều hơn.

Cụ thể, tiêu dùng ở khu vực nông thôn tăng một đồng sẽ kích thích sản xuất 1,662 đồng, trong khi nếu kích cầu vào đầu tư một đồng chỉ kích thích sản xuất có 1,435 đồng, kích cầu vào tiêu dùng khu vực thành thị một đồng chỉ kích thích sản xuất 1,400 đồng. Như vậy, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng nên kích cầu vào tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Chi tiết hơn, nghiên cứu này cũng chỉ ra ngành chế biến lương thực thực phẩm, ngành công nghiệp chế biến hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp chế biến nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất có mức độ lan tỏa lớn nhất. Do đó, kích cầu vào ba ngành này sẽ kích thích sản xuất của toàn ngành kinh tế.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chia cả nước thành tám vùng gồm đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Các tính toán nghiên cứu cho thấy vùng Đông Nam bộ và Đông Bắc bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nếu được kích thích phát triển sẽ kích thích các vùng khác phát triển theo.

Kích cầu phải đi kèm các công cụ khác

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho rằng Chính phủ cần một gói giải pháp tổng thể chứ không riêng gói giải pháp kích cầu. Gói kích cầu này chỉ là một phần trong các công cụ chống suy thoái và nghiên cứu trên nhấn mạnh rằng nếu chỉ tập trung làm kích cầu thì có thể sẽ làm lu mờ các công cụ khác.

Bàn thêm về các giải pháp khác đi kèm với kích cầu, tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng biện pháp kích cầu phải đi chung với cải cách hành chính và cải cách các thủ tục đầu tư. Tương tự, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Phó Tổng Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng biện pháp “trợ vốn” thực tiễn nhất là cắt bỏ các rườm rà thủ tục kinh doanh. Ông dẫn chứng một khảo sát cho thấy việc cắt bỏ các thủ tục có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm 12 ngàn tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, bởi vì khi có nhiều lao động thất nghiệp thì nhu cầu về đào tạo sẽ tăng cao.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng kích cầu cũng phải tính đến bối cảnh quốc tế. Cụ thể, hiện nay Trung Quốc có chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nào xuất khẩu hàng sang Việt Nam. Như vậy, khi thực hiện kích cầu, ta cũng phải tính đến cả tác động của hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam để có thể kích cầu hợp lý và giữ được thị trường.

Phải bảo đảm chi tiền đúng chỗ

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là làm sao để bảo đảm kích cầu có hiệu quả thực sự. Nhiều chuyên gia có mối lo ngại chung là nhiều doanh nghiệp hiện đang “vận động” để có thể “xơi một miếng” trong gói kích cầu. Ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu HĐND TP.HCM nhấn mạnh nếu đồng ý kích cầu rồi thì phải tính đến việc kích cầu vào đâu và phải tránh trường hợp “cơ hội”.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng phải có nguyên tắc chi tiền. Ông cho biết khi Mỹ “cứu” ngành ôtô đã đưa ra các điều kiện ràng buộc chặt chẽ đối với doanh nghiệp được “cứu”. Do đó, ông cho rằng ta cũng phải tính toán các điều kiện nhằm đảm bảo chi tiền đúng chỗ và hiệu quả.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm