Kiến nghị hỗ trợ người mất việc dựa trên CMND, CCCD

Nhiều doanh nghiệp (DN) góp ý các vấn đề an sinh xã hội cho người lao động và tổ chức sản xuất an toàn tại buổi trao đổi trực tuyến Cafe Doanh nhân lần thứ 58 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức chiều 20-8.
Khó tiếp cận gói an sinh
Tại đây, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA đề nghị DN lập danh sách địa chỉ các công nhân, người lao động đang gặp khó khăn cần hỗ trợ ngay để hiệp hội chuyển ngay cho Uỷ ban MTTQ các quận huyện để kịp thời giao các phần quà các gói an sinh tới ngay cho họ.
Theo đó, sắp tới HUBA sẽ chuyển 40.000 phần quà hỗ trợ người lao động mất việc gặp khó khăn.
Theo ông Dũng, vẫn còn nhiều lao động mất việc tại TP gần như không được hỗ trợ. Liên đoàn lao động quận huyện cũng chỉ nắm phần nào nên việc tiếp cận gói an sinh xã hội rất khó. Tại công đoàn cơ sở ở các DN thì gần như mất kết nối, không thể hỗ trợ nắm thông tin người lao động của mình.
Bên cạnh đó, các nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân cũng đã giảm dần. Gói an sinh của Tổng liên đoàn lao động đang triển khai cũng rất khó khăn, đặc biệt từ ngày 23-8 khi TP.HCM siết giãn cách xã hội. Vì thế, bản thân DN cũng cần phải có chính sách để đồng hành, quan tâm đến đời sống của người lao động.

Nhiều ý kiến DN góp ý về gói hỗ trợ an sinh cho người lao động gặp khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh chụp màn hình sự kiện trực tuyến do HUBA tổ chức.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Khang cũng cho rằng bản thân DN cần phải quan tâm, chăm lo đến người lao động, nắm rõ hoàn cảnh khó khăn của họ và cần hỗ trợ thực phẩm cho họ.
Góp ý về sản xuất an toàn, bà Mẫu cho rằng TP.HCM cần ưu tiên tiêm vắc xin cho DN nhất là những ngành sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu. Thứ hai, TP cần lưu ý về lưu thông hàng hoá, tránh đứt gãy hàng hoá để người dân yên tâm không hoang mang đổ xô tích trữ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch. 

DN tự trả chi phí tiêm vắc xin giảm gánh nặng ngân sách 

Đại diện Công ty TNHH SX-TM Mebipha cho biết hiện nay người lao động khó nhận được các gói hỗ trợ vì đòi hỏi thủ tục quá nhiều.
Ví dụ người lao động tự do cần có xác nhận tạm trú ở địa phương nhưng ở TP.HCM họ lại không đăng ký xác nhận tạm trú vì vậy họ chỉ còn cách về quê xác nhận nhưng bất khả thi vì các tỉnh đều giãn cách xã hội.
“DN kiến nghị nên khai nhận tiền hỗ trợ dựa trên CMND, CCCD dựa trên ứng dụng khai báo y tế điện tử như hiện nay sẽ dễ triển khai và kiểm soát chặt chẽ người được nhận. Về tiêm vắc xin, đề nghị nhà nước để cho DN trả chi phí dịch vụ tiêm vắc xin cho người lao động để giảm bớt gánh nặng ngân sách”- đại diện công ty này đề xuất.

Các DN kiến nghị cần triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động để các DN TP có thể tổ chức sản xuất an toàn. Ảnh: QUANG HUY

Đại diện Hội doanh nghiệp quận Tân Phú cho biết văn bản chỉ đạo mới nhất của TP.HCM, có nội dung mới đưa ra chỉ đạo các quận huyện, TP Thủ Đức tiêm vắc xin người lao động các DN. DN chủ động đàm phán liên hệ với các đơn vị y tế dịch vụ để triển khai tiêm và người được tiêm không phải trả bất cứ chi phí nào.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, vị này đề xuất để DN trả chi phí tiêm văc xin để đẩy nhanh tốc độ trong thời điểm hiện nay.
Góp ý về vấn đề đối tượng tiêm vắc xin, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hoà Bình, cho biết mục tiêu tiêm vắc xin đặt ra rất khó thực hiện với số lượng vắc xin đang thiếu. 
Theo ông Hải, trong cơ cấu biểu đồ người tử vong vì dịch COVID-19 của cả nước thì độ tuổi trên 65 tuổi chiếm tới 30% dân số. Nhưng nếu tính số lượng người tử vong vì COVID-19 thì người có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên chiếm tới 80% số lượng người nhiễm COVID-19. Vì vậy, theo ông Hải nên tập trung tiêm ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên.
“TP nên sử dụng các điểm tiêm là các tổ bầu cử ở các quận huyện để triển khai tiêm vắc xin nhanh. Đặc biệt TP phải cần chuẩn bị một lượng vắc xin đầy đủ chứ không để thiếu vắc xin như hiện nay”- ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm