Kỷ lục giá xăng: 24.580 đồng/lít!

Mức tăng cao nhất thuộc về xăng, thêm 1.430 đồng/lít, từ 23.150 đồng/lít lên thành 24.550 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 362 đồng (21.912 đồng/lít), dầu hỏa và dầu ma dút cũng tăng giá.

Cùng lúc, cơ quan quản lý giá quyết định dừng trích quỹ bình ổn giá, giữ nguyên thuế và khôi phục lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít cho DN.

Giá thế giới giảm, trong nước vẫn phải tăng

“Hiện nay, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các DN đã hết. Giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp. Cho nên Bộ Tài chính quyết định phải tăng giá thời điểm này” - công văn Bộ Tài chính nêu rõ.

Lý giải về quyết định để DN tăng giá bán, Bộ Tài chính cho rằng từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Tuy nhiên, để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước nhằm bình ổn giá thị trường, Nhà nước đã liên tục điều hành không tăng giá bán và cho phép sử dụng quỹ bình ổn giá. Cụ thể, ngày 26-2, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000 đến 2.300 đồng/lít, khi đó lẽ ra phải tăng giá bán từ 1.000 đến 2.300 đồng/lít. Để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp. Mức sử dụng quỹ đối với xăng là 2.000 đồng/lít, dầu diesel là 800 đồng/lít, dầu hỏa là 1.150 đồng/lít.

Kỷ lục giá xăng: 24.580 đồng/lít! ảnh 1

Trong khi dư luận đang trông chờ giá xăng giảm thì giá đột ngột tăng. Ảnh: HTD

Điều hành lúng túng?

Vài ngày trước đây, báo chí đã phản ánh: Giá xăng thế giới đang giảm mạnh nhưng quỹ bình ổn vẫn được xả đã khiến DN lãi hàng chục tỉ đồng mỗi ngày. Tiền trích quỹ bình ổn cũng từ tiền túi của người dân. Từ đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có lời giải thích cho việc vì sao vẫn để xả quỹ bình ổn khi giá thế giới giảm?

Vậy nhưng trong khi chưa có câu trả lời rõ ràng thì quyết định tăng giá xăng lại được đưa ra vào tối 28-3.

Trao đổi qua điện thoại với báo Pháp Luật TP.HCM, một vị từng làm lãnh đạo, từng tham gia công tác điều hành giá cũng ngỡ ngàng trước quyết định tăng giá lần này, bởi giá thế giới đang giảm nhẹ.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật, việc tăng giá xăng vào thời điểm này không khác gì dội gáo nước lạnh vào người dân và DN. “Khoan bàn đến đúng-sai, đây là quyết định thiếu khôn ngoan trong quản lý. Bởi lẽ như tôi được biết, quỹ bình ổn giá đã âm nhưng ta vẫn trích từ con số rỗng ấy để ghi nợ thì đó là thất sách. Đã vậy, ta mà còn để giá xăng tăng trong khi giá thế giới đang giảm nhẹ thì rõ ràng không thể thuyết phục được dư luận, dù có cố giải thích thế nào thì dư luận vẫn thấy không hợp lý. Gần như chúng ta đang đi ngược với quy luật” - ông Sơn nói.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng cách lý giải của Bộ Tài chính tuy là “có cơ sở” nhưng cũng rất khó thuyết phục được người dân lúc này. Rõ ràng, cách điều hành quỹ bình ổn đang có vấn đề và “lằng nhằng dễ gây bức xúc” - ông Phong nói.

Quỹ bình ổn giá không có tác dụng?

Cũng từ công văn tối 28-3 liên quan việc trích quỹ bình ổn, ông Nguyễn Minh Phong nói thẳng: Nên bỏ quỹ bình ổn.

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2013 đến nay, để bình ổn thị trường, cơ quan quản lý đã phải bốn lần điều chỉnh mức sử dụng quỹ.

“Cách dùng quỹ bình ổn như hiện nay không có tác dụng gì. Đằng nào cũng là tiền của người dân nhưng cách dùng dễ gây bức xúc cho người dân và dễ có chuyện sai số. Việc đưa bình ổn vào phiền phức và tốt nhất là nên bỏ” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Cũng băn khoăn về quỹ bình ổn, TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng quỹ bình ổn giá đã được đưa vào trong Luật Giá. Vì vậy, bỏ ngay thì rất khó. “Quan trọng là cách sử dụng thế nào. Quỹ này giống như là con heo tiết kiệm của toàn dân, phải xác định chính xác là khi nào thì nên đập vỡ con heo? Cứ nhét được 1 đồng nhưng lại lôi ra 3 đồng để sử dụng là không nên” - ông Sơn nhấn mạnh.

“Mệt mỏi thêm!”

Mấy hôm nay tôi đọc thông tin trên báo thì được biết giá thế giới đang giảm. Vì vậy, chúng tôi đang rất kỳ vọng một, hai ngày nữa thì giá xăng trong nước giảm. Nay giá không giảm thì thôi chúng tôi đành chấp nhận nhưng tăng thêm là cớ làm sao? Tôi không hiểu cách tính giá xăng hiện nay như thế nào nữa.

Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, cả nền kinh tế sẽ ảnh hưởng khi giá xăng tăng. Trong đó ngành thủy sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất do dùng nhiên liệu đánh bắt. Nếu cứ tiếp tục tăng giá xăng dầu bất ngờ như thế này thì chỉ làm các DN sản xuất khó thêm vì chi phí đầu vào tăng vọt. Tôi chỉ còn biết nói: Các DN sản xuất mệt mỏi lắm rồi!

Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO, Tổng Giám đốc Công ty
Cổ phần Gò Đàng

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm