Lạ lùng với quy định '1 ha đất chỉ được nuôi ...1 con bò'

Tại cuộc họp do Bộ NN&PTNT tổ chức với các hội, hiệp hội để lắng nghe các vướng mắc khi thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, ngày 7-7, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị cần phải sửa lại quy định "1 ha đất chỉ được nuôi 1 con trâu".

Ông Sơn cho biết, vào tháng 6 vừa qua, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan kiến nghị tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến quá trình thực thi Luật Chăn nuôi và Nghị định 13/2020 hướng dẫn thực hiện Luật Chăn nuôi cùng một số vấn đề liên quan.

Cuộc họp do Bộ NN&PTNT tổ chức với các hội, hiệp hội ngày 7-7. Ảnh: AH

Theo ông Sơn, đến nay, đã qua một năm rưỡi thực thi Luật Chăn nuôi nhưng nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn rất lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số khái niệm trong Luật và Nghị định không rõ ràng.

Ví dụ như khái niệm khu dân cư, từ đó để quy định khu vực nào được chăn nuôi, lại không rõ ràng khiến doanh nghiệp và địa phương lúng túng.

Hoặc quy định về đơn vị vật nuôi, mật độ chăn nuôi, ông Sơn cho rằng đây là lần đầu tiên một văn bản được cập nhật từ văn bản của thế giới, nhưng trong quy định của Nghị định 13 lại quá chặt theo kiểu của châu Âu. Nghĩa là 1 ha đất nông nghiệp chỉ được nuôi 1 đơn vị, tương ứng 500 kg khối lượng vật nuôi quy đổi.

"Điều đó có nghĩa là 1 ha đất chỉ được nuôi 1 con trâu, 1 con bò, thành ra nếu chiếu theo điều này thì phần lớn các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long phải giảm hết tổng số gia súc, gia cầm hiện nay vì vượt quá quy định. Vì vậy chúng tôi kiến nghị quy định này phải sửa lại" - ông Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề công bố hợp quy thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, ông Sơn cũng kiến nghị Bộ nên rà soát, bỏ công bố hợp quy chứ không phải hòa hoãn như hiện nay.

Ông Sơn cho rằng câu chuyện hợp chuẩn, hợp quy là quản lý chất lượng, mà quản lý chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã có những quy định khác cao hơn nhiều. Trên thế giới không có ai quy định công bố hợp quy về thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng kiến nghị Cục Thú y xem xét miễn giảm kiểm dịch giống gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi đã được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong thời điểm này để tiết giảm chi phí đầu vào sản xuất; đề nghị xem xét bỏ giấy phép con về nhập khẩu vaccine thú y đã có trong danh mục được phép nhập khẩu...

Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng âm

 Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hiện nay ngành gia cầm đang phải vật lộn với hai khủng hoảng lớn về thị trường và dịch bệnh.

Với những khó khăn trên, 6 tháng đầu năm 2021, ngành gia cầm có tăng trưởng âm. So sánh bình quân các mặt hàng năm 2021 so với năm 2020, nhiều mặt hàng giảm đến 30%, như giá giống giảm 32%, giá gà thịt và vịt thịt giảm trên dưới 30%.

"Cuối tháng 6 vừa rồi giá có nhích lên đúng theo dự báo do khủng hoảng thiếu nguồn cung trong ngắn hạn, vì khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt lên, hầu hết doanh nghiệp trong hiệp hội đã giảm quy mô sản xuất, nhiều trang trại, hộ nông dân không tái đàn. Thế nhưng, dù giá có tăng thì lợi nhuận vẫn không tăng vì giá thức ăn vẫn cao" - ông Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm