Lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân chỉ thua... tín dụng đen!

Lãi suất “cắt cổ!”

Tôi bước vào Ngân hàng HSBC tại góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Dòng chữ khá ấn tượng “Ngân hàng toàn cầu am hiểu địa phương” và gam màu đỏ tươi từ bàn ghế cho đến đồng phục nhân viên làm cho khách đến cảm thấy thân thiện hẳn.

Tôi đang đứng lóng ngóng trước dãy người đang xếp hàng chờ giao dịch thì một cô nhân viên trẻ, đẹp tiến lại chào và hỏi tôi cần gì? Tôi bảo: “Cần vay tiền để tiêu dùng cá nhân”. Cô nhân viên bảo tôi lên tầng lầu có nhân viên tư vấn đang trực.

Tìm hiểu điều kiện vay tiền tiêu dùng ở ngân hàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Tìm hiểu điều kiện vay tiền tiêu dùng ở ngân hàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cô nhân viên tư vấn cho biết, HSBC có thể cho vay gấp 10 lần mức lương tháng, nếu thu nhập 10 triệu đồng thì có thể vay đến 100 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 36 tháng, lãi suất 24%/năm. Thấy tôi kêu lãi suất cao, cô ta liền nói: “Ngân hàng tính trên số dư nợ giảm dần nên anh thấy cao, còn tính theo số dư nợ ban đầu cũng tầm 14%/năm”.

Cô cho biết thêm hồ sơ rất đơn giản, chỉ cần bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hợp đồng lao động, hóa đơn điện hoặc nước. Tuy nhiên, khi biết tôi nhận lương trực tiếp bằng tiền mặt, cô liền bảo ngân hàng chỉ cho vay đối với trường hợp nhận lương qua thẻ ATM. Cô khuyên tôi về đề nghị cơ quan trả lương qua thẻ ATM.

“Sau khi nhận 3 tháng lương liên tục, anh quay lại, mới được giải quyết vay tiền”, cô nói. Cô khẳng định, Ngân hàng HSBC không tính phí dịch vụ nào khác đối với khách hàng vay và không yêu cầu khách hàng của mình chứng minh mục đích vay tiền.

Rời HSBC, tôi ghé Công ty Tài chính Prudential Việt Nam. Anh Nguyễn Hoàng Long - chuyên viên tín dụng cá nhân của công ty này cho biết thủ tục vay ở đây đơn giản: Chỉ cần bản xác nhận lương, bản sao CMND, sao kê tài khoản ngân hàng 3 tháng, hợp đồng lao động, hình thẻ là có thể vay được tiền. Số tiền vay tín chấp (không bảo lãnh, không thế chấp) được duyệt trong mức từ 10 triệu đồng đến 190 triệu đồng, thời hạn vay từ 12 đến 48 tháng.

Tôi hỏi: “Thế lãi suất vay là bao nhiêu?”. Anh Long cho biết, lãi suất 26%/năm tính theo số dư nợ giảm dần, nếu tính theo số dư nợ ban đầu thì lãi suất là 15%/năm. Anh cho biết, nếu công ty đối tượng vay đang làm nằm trong danh sách của Công ty Prudential đã thẩm định thì sẽ được vay gấp 9 lần số lương một tháng; còn không, chỉ được vay gấp 6 lần thôi. “Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, tôi có phải trả phí gì không?”, tôi hỏi. Anh này ngập ngừng rồi trả lời: “Trước khi nhận số tiền vay, công ty trừ một khoản phí gọi là phí bảo hiểm rủi ro cho hợp đồng vay(!?). Tùy theo số tiền vay mà số tiền có thể vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng”.

Tuy lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng nhưng vẫn chưa bằng lãi suất “cắt cổ” tại các tiệm cầm đồ. Anh C., chủ tiệm cầm đồ ở khu vực chợ Bình Thới (Q.11, TPHCM) cho biết, trước đây tiệm của anh cầm đồ với lãi suất 36%/năm (3%/tháng). Nhưng nay thấy lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân theo hình thức tự thỏa thuận của ngân hàng tăng nên tiệm của anh cũng đã nâng mức lãi suất lên 60%/năm (tức 5%/tháng).

Anh cho biết, lãi suất cho vay như vậy vẫn còn “đạo đức” vì hiện nay nhiều tiệm cầm đồ nâng lãi suất lên từ 72% đến 84%/năm (khoảng 6%-7%/tháng). Anh V., chủ một tiệm cầm đồ có tiếng khu vực quận 2, cũng thú thật, tiệm anh cầm tài sản và cả bất động sản với lãi suất cho vay là 60%/năm. Riêng đối với bất động sản, người đi vay phải đóng tiền lãi trước và phải chịu thêm 10% phí dịch vụ môi giới. Trong đó, “cò” giới thiệu người đến vay tiền sẽ được hưởng 4% trên số tiền vay.

Thả nổi lãi suất cho vay tiêu dùng: lợi ít, hại nhiều

Được biết, tháng 2-2009, Ngân hàng Nhà nước có quy định lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh không được quá 150% so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Cụ thể, lãi suất cơ bản hiện nay là 7% thì lãi suất trần tối đa các tổ chức tín dụng được phép cho vay hiện nay là 10,5% (150% lãi suất cơ bản).

Tuy nhiên, đối với cho vay tiêu dùng cá nhân, ngân hàng nhà nước lại thả nổi cho các ngân hàng thương mại tự thỏa thuận với khách hàng. Do vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân đã tăng một cách “phi mã” trong vài tháng qua.

Theo một số nhà phân tích kinh tế, nếu không có biên độ lãi suất trần cho các khoản vay tiêu dùng thì lãi suất này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và không loại trừ các ngân hàng “bắt tay nhau” đồng loạt nâng lãi suất gây thiệt hại cho người dân.

Một điều nữa, phần lớn người đi vay là lao động nghèo không có tài sản thế chấp, gặp khó khăn tài chính gia đình, cần một khoản trang trải lúc ngặt nghèo. Vì vậy, việc thả nổi lãi suất cho vay tiêu dùng chẳng khác nào “đánh” vào người nghèo.

Vĩ mô hơn, hiện nay thế giới đang bị khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp trong nước đang quay lại khai thác thị trường nội địa. Việc thả nổi lãi suất cho vay tiêu dùng dẫn đến lãi suất tăng quá cao như hiện nay đang đi ngược với chủ trương kích cầu của Chính phủ. Điều người dân bức xúc hơn là hệ thống “tín dụng cầm đồ” rất gần gũi với dân nghèo hiện đang bị “quên” quản lý và hầu như cho đến nay vẫn chưa có cơ chế nào quản lý cho loại hình tín dụng này.

Do đó, các điểm “tín dụng cầm đồ” này thoải mái trong việc nâng lãi suất cao đến “chóng mặt”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước đã quy định lãi suất cho vay khu vực sản xuất, kinh doanh nằm trong biên độ không quá 150% lãi suất cơ bản thì cũng nên có biên độ lãi suất đối với khu vực cho vay tiêu dùng cá nhân, chẳng hạn lãi suất cho vay tiêu dùng không vượt quá 200% lãi suất cơ bản. Có như thế, tệ cho vay nặng lãi, “cắt cổ” người nghèo mới có khả năng giảm xuống.

Theo TRẦN THANH ( SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm