Lệnh 248, 249 của Trung Quốc ảnh hưởng đến thủy sản Việt

Chiều 9-12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do thời gian giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, vận chuyển con giống, thức ăn, cá nguyên liệu. Nhiều cơ sở nuôi thiếu người thu hoạch. Một số nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến cá tra phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất...

Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022. Ảnh: AH

Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT đã thành lập tổ công tác đặc biệt “970” để trực tiếp xử lý các vướng mắc nảy sinh trong sản xuất chưa có tiền lệ do phải áp dụng giãn cách xã hội. Tổ chức một số hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản nói chung và hội nghị riêng về ngành hàng cá tra.

Hiệu quả các giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước cùng với sự quyết liệt của doanh nghiệp đã mang tới những tín hiệu tích cực, nhất là sau khi cả nước chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn với COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

"Trong các ngành hàng nông nghiệp, Bộ lo ngại nhất là thủy sản. Tuy nhiên rất may mắn là đã có sự phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây khi gọi điện, các doanh nghiệp đều cho biết đã phục hồi sản xuất được 70%" - ông Tiến chia sẻ.

Báo cáo cụ thể, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết sản lượng cá tra thu hoạch 11 tháng đầu năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020), nhưng tháng 12 dự kiến ước đạt 200.000 tấn, đưa tổng sản lượng thu hoạch cả năm 2021 lên 1,5 triệu tấn, bằng với cùng kỳ năm 2020. Nhưng về giá trị, tính đến 15-11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.

"So sánh kết quả thả nuôi trong tháng 11 của năm 2020 và 2021 cho thấy cá tra đã quay lại nhịp độ sản xuất bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" - ông Cẩn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự báo cho năm 2022, Tổng cục Thủy sản bày tỏ lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu từ tháng 1 đến tháng 3. Đây là hệ quả của năm 2021, khi nhiều địa phương giãn cách xã hội, diện tích thả nuôi cá tra bị giảm mạnh.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Các quy định mới này có thể gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.

Tuy nhiên, cũng có chút hi vọng từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, mà ở đó vừa có thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ…

Năm 2022, ngành cá tra dự kiến diện tích thả nuôi phát sinh trong năm đạt trên 5.200 ha; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm