Liên kết việc sản xuất và tiêu thụ cá tra

Hôm qua (23-6), tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì buổi ra mắt Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra. Vấn đề liên kết giữa tổ chức sản xuất, tiêu thụ cá tra và thông tin dự báo thị trường được bàn luận sôi nổi.

Cung vượt cầu

“Chính vì thiếu quy hoạch nên thời gian qua đã có tình trạng diện tích nuôi cá phát triển quá “nóng”: thừa cá cả ở hộ dân và tồn kho tại các doanh nghiệp. Chúng ta vẫn chưa có cuộc điều tra chính thức nào trên quy mô toàn vùng về diện tích, sản lượng nuôi để đảm bảo cho cung luôn thấp hơn cầu” - ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nói. Ông Hậu cho biết, tại Mỹ hơn 10 năm nay cá da trơn của nước này luôn giữ ổn định sản lượng 300.000 tấn/năm. Họ không cho tăng trưởng trên mức này. Tại Na Uy, đã nhiều năm liền không cho phát triển hộ nuôi mới đối với nhiều loại thủy sản vì họ tính được nguồn cung so với nhu cầu.

Cá tra Việt Nam hiện có mặt trên 108 quốc gia trên thế giới, từ thị trường cao cấp khó tính đến nơi bình dân chuộng giá rẻ. Mỗi thị trường đều ban hành tiêu chuẩn riêng nên theo ông Hậu thì cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến đều phải định hướng cho mình là nuôi như thế nào và chế biến để bán đi đâu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Nông dân nuôi rất tốt, theo đúng tiêu chuẩn yêu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn mất giá và thua lỗ. Hiện các doanh nghiệp vẫn cạnh tranh nhau, tự quyết định giá bán. Với sức ép tồn kho lớn, cung vượt cầu, cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán bất cứ giá nào để thu hồi vốn. Nhiều doanh nghiệp năng lực xuất khẩu kém vẫn được mời tham gia hội chợ quốc tế, đàm phán giá cả, ký hợp đồng với lung tung các mức giá đã góp phần làm lũng đoạn thị trường. Tôi đề nghị sắp xếp lại, nếu không thì sớm muộn gì doanh nghiệp cũng kiệt sức theo nông dân!”.

Thành lập chuỗi sản xuất - tiêu thụ cá tra

Nhiều ý kiến đề nghị thành lập hiệp hội chung cho cả chuỗi sản xuất - tiêu thụ cá tra, không phân biệt nhóm người nuôi - chế biến - xuất khẩu và dịch vụ.

Trong chuỗi sản xuất cá tra, nhiều ý kiến phân tích về “khối dịch vụ”. Cụ thể như nhóm doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thức ăn cho cá thời gian qua luôn đạt siêu lợi nhuận trong khi người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. Hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản (bắp, đậu...) đều phải nhập khẩu nên giá đã đội lên cao. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước thừa sức đáp ứng mà lại chưa được tận dụng.

Trong khâu vận chuyển thành phẩm cũng bộc lộ tính kém khi hầu như doanh nghiệp đều phải xuất hàng qua cảng Sài Gòn. Vì vậy, chi phí đường dài và xe trung gian (xe tải, container) đội lên rất cao. Không ít đại biểu đề nghị xây dựng hệ thống kho trữ đông và tổ chức xuất trực tiếp tại các cảng ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ thu mua dự trữ cá như dự trữ lúa gạo thì giá cá sẽ ổn định.

Áp dụng truy nguyên nguồn gốc hàng hóa

Sớm đưa hệ thống tiêu chuẩn chung cho cả khâu nuôi và chế biến là ý kiến mà nhiều đại biểu đề nghị với Bộ NN&PTNT. Hộ nuôi nào không đáp ứng điều kiện thì không cho nuôi. Cũng vậy, doanh nghiệp nào thiếu năng lực thì tuyệt đối không cho xuất hàng. Việc rà soát nhu cầu thị trường để đưa ra định hướng quy hoạch sản xuất như vùng nào nuôi cá xuất đi châu Âu, vùng nào xuất sang châu Phi... sẽ rất cần thiết.

Không ít ý kiến đã gặp nhau là cần phối hợp triển khai áp dụng những tiêu chuẩn phổ biến cho chuỗi sản xuất - tiêu thụ để nâng cao giá trị và tạo đầu ra thuận lợi cho con cá tra. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề xuất: “Cần tổ chức cả hệ thống sản xuất theo một tiêu chuẩn chung, sau đó tùy điều kiện từng địa phương, tùy yêu cầu thị trường, cần thiết chúng ta có thể áp dụng truy nguyên nguồn gốc hàng hóa”.

Các đại biểu thống nhất quý III tới sẽ đồng loạt xúc tiến việc đăng ký kinh doanh cho các cơ sở nuôi cá theo yêu cầu ngành nghề có điều kiện, đồng thời cấp mã số để tiến tới áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Phải làm cho cá của mình thực sự chất lượng cao

Vấn đề trọng tâm hiện nay là duy trì, mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra. Có bán được cá mới tạo động lực để bà con tiếp tục sản xuất và hy vọng có lãi, cải thiện đời sống. Thị trường Nga đã chấp nhận 10/30 doanh nghiệp nên quan điểm của Bộ là sẽ ưu tiên các doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn.

Hiện có nhiều thông tin bất lợi về cá tra - ba sa Việt Nam nên cần thiết có cuộc khảo sát đánh giá trên cơ sở khoa học và có chiến dịch công bố thông tin rộng rãi trên thế giới để nâng cao uy tín cá tra - ba sa Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực giải quyết về thị trường đầu ra, các tỉnh, thành cần triển khai các biện pháp về chuỗi sản xuất, giúp dân giảm giá thành. Muốn đàm phán thắng lợi với nước ngoài thì phải làm cho cá của mình thực sự chất lượng cao.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Dao Phong

Địa chỉ: C.H.Séc Praha.

Email: daophong62@...

Nội dung:

Tôi đang kinh doanh ngành thực phẩm tại Séc. Là người Việt Nam, tôi rất vui khi thấy hàng Việt Nam được bày bán ở khắp nơi. Tuy nhiên, vì thiếu những tiêu chí bắt buộc nên hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU rất khó khăn. Trước khi quá muộn, mong rằng các nhà sản xuất sớm cập nhật thông tin thị trường, thay đổi công nghệ,.. để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường EU.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm