Liên kết xuất nhập khẩu đón Asean+

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) dự kiến hình thành vào năm 2015, khi đó Asean sẽ trở thành một thị trường duy nhất có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động tay nghề. Asean sẽ là một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Hải, để tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Asean+ thì thách thức cho cộng đồng DN nước ta là rất lớn. DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm, dịch vụ, đầu tư của các DN các nước Asean tiềm lực lớn có kinh nghiệm như Singapore, Malaysia… Các biện pháp phòng vệ thương mại như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ sẽ gia tăng. Đáng chú ý là trở ngại lớn về quy tắc xuất xứ, nếu DN nước ta không đáp ứng đủ điều kiện này sẽ không thể hưởng ưu đãi về thuế đã được cắt giảm.

Trước tình hình đó, theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, chuẩn bị cho Asean+ tự bản thân mỗi DN phải chống rủi ro bằng cách “ném” rủi ro của mình sang cho người khác. Người khác ở đây chính là bảo hiểm rủi ro, DN phải hiểu và sử dụng các công cụ phòng, chống rủi ro biến động như thị trường kỳ hạn, công cụ phái sinh và bảo hiểm. Xây dựng hàng rào kỹ thuật là một giải pháp nhưng lời khuyên cho DN là đừng trông chờ vào điều này mà DN muốn cạnh tranh phải bằng chất lượng sản phẩm.

“Giải pháp nữa cho DN là phải biết tóm cơ hội bằng cách đạt đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Vào Asean+ hay các hiệp định thương mại tự do FTA như TPP, Việt Nam-EU… thì DN đều phải đáp ứng điều kiện này. Để làm được điều đó, DN phải biết bổ sung để cạnh tranh, phải chen chân vào chuỗi liên kết để trở thành một phân khúc hoặc đầu tư một phần vào chuỗi liên kết đó. Dẫn chứng sự thất bại của ngành ô tô, công nghiệp phụ trợ nước ta là vì quan niệm sai lầm sản phẩm nào DN Việt cũng làm được tất cả bộ phận chiếc ô tô” - TS Thành chia sẻ.

TS Thành cho rằng DN không chỉ học cạnh tranh mà phải học cách kết nối. Cụ thể, DN yếu nên biết liên kết với DN mạnh, DN nên quan hệ tốt với ngân hàng và kết nối cao hơn là biết cách ứng xử với Chính phủ. Như vậy DN mới có thể tận dụng được nhiều lợi thế, nắm đủ thông tin và để cạnh tranh, để tồn tại và phát triển khi nước ta vào Asean+, TPP…

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm