Lo bị 'bẻ kèo', doanh nghiệp bắt tay với người nhà

Ngày 22-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của các hợp tác xã, doanh nghiệp, Sở NN&PTNT của 13 tỉnh thành phía Nam. 

Một số HTX lẫn DN đều cho biết tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thủ nông sản giữa nông dân và DN thường xuyên xảy ra, nhất là đối với cây lúa.

Đại diện một HTX ở Long An cho rằng, việc liên kết với các nông hộ nếu như không có cơ sở pháp lý và một hành lang bảo vệ lợi ích chuẩn thì DN rất khó để xây dựng vùng vệ tinh.

Vì lẽ đó mà DN chỉ dám liên kết với chính những người thân, người bà con để tập hợp nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Theo HTX này cần có quy định chế tài xử phạt bồi thường hợp đồng đối với DN lẫn nông dân nếu “bẻ kèo”. Đầu ra tiêu thụ nội địa, xuất khẩu cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bẻ kèo” ảnh hưởng đến chuỗi liên kết này. Vì vậy cũng cần chính sách hỗ trợ đầu ra cho nông sản.  

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa DN và nông dân vẫn lỏng lẻo.

Đại diện một nhóm các tỉnh phía Nam cho rằng chính sách hỗ trợ vốn, ngân sách cho các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được quy định cụ thể, chi tiết trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Cần giải ngân sớm trước khi dự án triển khai, đừng để cả DN lẫn nông dân vẫn khó tiếp cận được ưu đãi trong thời gian quan.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, có 3 chính sách lớn mà gần như chắc chắn Nghị định sẽ được thông qua, đó là việc hỗ trợ giảm 50% tiền sử dụng đất trong việc xây dựng kho xưởng; hỗ trợ 40% kinh phí chuyển đổi, ứng dụng khoa học kĩ thuật mới; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu ban soạn thảo nên rút gọn nội dung Nghị định, tránh rườm rà. Nghị định phải dễ hiểu và áp dụng ngay vào thực tiễn.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý các đơn vị phải hiểu rõ nội dung liên kết bao giờ cũng phải từ đầu tư đến sản xuất rồi tiêu thụ chứ không phải chỉ có sản xuất và tiêu thụ. Đầu tư chính là nguồn gốc để xác định sự tồn tại của mối liên kết, qua đó mới xây dựng được cơ chế để tiến hành hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm