Lo cho ngành dệt may

Kết thúc quý III-2014, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 18 tỉ USD (tăng 19% so với cùng kỳ) trong khi chỉ nhập khẩu nguyên phụ liệu hơn 11 tỉ USD. Dự kiến ngành dệt may sẽ về đích từ 24-25 tỉ USD về giá trị,  vượt kế hoạch từ 0,5-1 tỉ USD, tăng trưởng 15-16%.

Thú thật, nghe xong không thấy mừng mà lo thì nhiều. Con số chỉ mang nặng thành tích còn vấn đề phụ thuộc nguyên phụ liệu dệt may từ các nước láng giềng vẫn chưa được giảm thiểu. Nguyên phụ liệu vẫn chiếm tới 60% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, DN Việt vẫn chủ yếu là gia công. Đó là chưa kể 100% máy móc, thiết bị đều phải mua nước ngoài. 

Hơn 200 đơn vị trong và ngoài nước tham gia triển lãm nhưng phần lớn các DN đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và một số nước khác. Có một vài DN Việt nhưng chủ yếu là những đơn vị nhập khẩu máy móc thiết bị về bán trong nước. Không hề có một DN Việt Nam nào tự sản xuất được nguyên phụ liệu hoặc giới thiệu những máy móc mình tự chế tạo.

Các DN dệt may nước ngoài tại triển lãm tiết lộ họ đang tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhằm đón cơ hội từ hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương – TPP. Lý do là để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng dệt may sang các nước TPP. Với tình hình này thì các DN dệt may trong nước khó có thể cạnh tranh về xuất khẩu với các DN ngoại mà chủ yếu từ Trung Quốc khi TPP được ký kết.

Điều DN nước ta cần làm và làm ngay là phải tăng tỉ lệ nội địa hóa. DN thiếu vốn thì kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài để thiết lập ngay chuỗi sản xuất của ngành may gồm: sợi - dệt - nhuộm – may. DN không nên sợ chia bớt lợi nhuận và nhà nước cần có chính sách ưu đãi tối đa để thu hút vốn ngoại. Ngoài ra, DN Việt nên nhanh chóng chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Và cũng cần có một chính sách tạo điều kiện hình thành sớm khu công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm