Lương phi công của VNA cao nhất 256 triệu đồng/tháng

Liên quan đến các thông tin về chính sách tiền lương và các quy định về phi công tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA), theo nội dung văn bản mới đây VNA báo cáo Chính phủ và Bộ GTVT, từ năm 2008, VNA đã thực hiện cải cách tiền lương đối với người lao động nói chung và phi công nói riêng, trong đó đội ngũ phi công là lao động nòng cốt thu nhập từ tiền lương đã tăng hơn năm lần.

Cụ thể, tính từ ngày 1-6-2018, lương phi công lái máy bay Boeing (B787) và Airbus A350 là 256 triệu đồng/tháng, lương phi công Airbus A321 là 243 triệu đồng/tháng, lương phi công máy bay ATR là 210 triệu đồng/tháng.

VNA đánh giá phi công Việt Nam có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài đang làm việc tại VNA. Tiền lương phi công bao gồm các khoản: tiền lương chức danh, lương kiêm nhiệm (quản lý, giáo viên), lương sản phẩm theo từng chặng bay, an toàn hàng không, vượt giờ, tiền định lượng, điện thoại và văn phòng phẩm, phụ cấp lưu trú nước ngoài.

Về chế độ làm việc, nghỉ ngơi: Phi công được nghỉ tối thiểu 118 ngày/năm với chế độ chín tuần bay khai thác được nghỉ trọn vẹn một tuần.

Bảng lương của phi công Việt Nam làm việc tại Vietnam Airlines.

Ngoài ra, phi công còn có các chế độ đãi ngộ khác như chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện hỗ trợ phi công khi nghỉ hưu, với tài khoản tối đa VNA mua là 300 triệu đồng/người.

Chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của phi công trong thời gian làm việc và chi trả các chi phí mà bảo hiểm y tế không chi trả.

Riêng phi công được mở rộng phạm vi bảo hiểm khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Chế độ vé máy bay giảm giá cước. Chương trình nghỉ dưỡng, mức chi 5-7 triệu đồng/người/năm.

Về tình trạng phi công nộp đơn xin nghỉ việc, VNA cho rằng tốc độ phát triển cao của ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á nói chung và Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á nói riêng dẫn đến tình trạng khan hiếm phi công.

"Phi công nghỉ việc là hiện tượng phổ biến gây nhiều áp lực cho các hãng hàng không. Cụ thể, trong ba năm 2015-2017, VNA có 233 phi công nghỉ việc. Còn năm tháng đầu năm 2018, có 33 phi công nghỉ việc (25 phi công nước ngoài và tám phi công trong nước) và đang chờ giải quyết. Dự kiến thời gian tới có khoảng 20 phi công nộp đơn, việc giải quyết theo Bộ luật Lao động, Thông tư 21/2017/TT- GTVT và Quy chế đào tạo của VNA" - VNA thông tin.

VNA đánh giá: Làn sóng nghỉ việc của phi công trong năm 2017 là cao điểm, tuy nhiên trong năm 2018 có xu hướng chậm lại. Trong đó, Trung Quốc là nước thu hút nhiều phi công nhất. Còn tại năm tháng đầu năm, tại VNA đã tuyển 64 phi công bù số phi công đã nghỉ việc. Tính đến thời điểm hiện tại VNA có 1.138 phi công, trong đó có 853 phi công trong nước và 285 phi công nước ngoài.

Trước đó, một nhóm phi công của Vietnam Airlines gửi kiến nghị đến các cơ quan truyền thông và Chính phủ về một số nội dung của Thông tư 41 và Thông tư 21 của Bộ GTVT. Các phi công cho rằng hai thông tư trên của Bộ GTVT gây khó dễ cho người lao động xin thôi việc.

Cụ thể, VNA đã vận dụng Thông tư 41 và Thông tư 21 quy định nhân viên hàng không trình độ cao muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải chấm dứt hợp đồng. Người lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác máy bay, tổ chức bảo dưỡng máy bay hiện tại.

Cùng đó, căn cứ vào hai thông tư này của Bộ GTVT, VNA đã đưa ra những khoản bồi thường quá lớn so với người lao động (từ 2 tỉ đến 3,5 tỉ đồng) nhưng không có đầy đủ những chi phí hợp lệ để chứng minh theo quy định của Bộ luật Lao động.

Diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn kiến nghị của phi công đến Bộ GTVT để giải quyết theo thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm