Lý do gần 1 triệu cành hoa Đà Lạt xuất khẩu bị nghiền làm phân

Hơn 800.000 cành hoa phải hủy

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết hiệp hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng và Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) vừa có công văn gửi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông thôn (NN&PTNT) kiến nghị tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa xuất khẩu sang Úc.

Cụ thể, trong quy trình xử lý sau thu hoạch theo quy định của Úc, Dalat Hasfarm phải sử dụng hoạt chất Glyphosate để triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng theo một quy trình nghiêm ngặt tại khu vực đóng gói với các thiết bị bảo hộ chuyên dụng.

Dung dịch sau sử dụng được quản lý như đối với chất thải nguy hại và được đưa vào thiết bị (Hortimax growing solutions - Hà Lan) để xử lý. Lượng hoạt chất Glyphosate được sử dụng rất ít, 350 lít/năm.

Thực hiện Quyết định của Bộ NN&PTNT về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, Dalat Hasfarm đã chủ động thử nghiệm rất nhiều loại hoạt chất khác nhau và có một số kết quả nhất định.

Công ty đã phối hợp với các đối tác nhập khẩu để làm việc với cơ quan chức năng của Úc, đề nghị thay thế hoạt chất Glyphosate nhưng không được chấp nhận. 

Theo quy định, từ ngày 30-6, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate sẽ không được sử dụng tại Việt Nam. Đồng nghĩa với việc phải dừng toàn bộ đơn hàng hoa xuất khẩu sang Úc vì không thể xử lý được.

Việc này gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho doanh nghiệp, người trồng hoa. Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện đã có hơn 800.000 cành hoa của Dalat Hasfarm và Dalat Evergreen bị hủy tại vườn vì lý do trên.

Hoa Đà Lạt xuất khẩu

Kiến nghị cho phép tiếp tục sử dụng hoạt chất Glyphosate

Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc DalatHasfarm, cho biết công ty đã dành 20 hecta, 350 công nhân, 40 hộ nông dân trồng hoa phục vụ cho thị trường Úc. Hoa phải trồng gối vụ, không phải dừng một cái là dừng ngay được, đến kỳ vẫn phải thu hoạch. Do đó, hôm qua (13-7), công ty đã hủy hơn 600.000 cành hoa, thiệt hại tương đương 130 ngàn USD (gần ba tỉ đồng).

Hôm nay và những ngày tiếp theo công ty tiếp tục phải hủy nhưng không phải tháo từ container mà đưa hoa trực tiếp từ nhà kính hoặc khu vực thu mua hoa của các hộ nông dân liên kết thẳng xuống khu vực nghiền để làm phân.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, khi doanh số bán hàng trong nước sụt giảm gần 60% thì việc không xuất khẩu được vừa gây thiệt hại về doanh thu vừa tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu hoa ở các nước khác giành thị trường.

Để giải quyết khúc mắc trên, ông Phan Thanh Sang thông tin Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo tình hình cho Bộ Nông nghiệp Úc và được phía Úc đồng ý thay thế hoạt chất khác Glyphosate. Đối tác yêu cầu Việt Nam gửi báo cáo các thử nghiệm xử lý mầm hoa cắt cành bằng các hoạt chất khác để Úc xem xét. 

“Trong lúc chờ đợi kết quả đàm phán, hiệp hội mong muốn bộ cho phép các DN xuất khẩu hoa đi thị trường Úc được tiếp tục sử dụng hoạt chất Glyphosate để xử lý hoa theo quy trình như trước đây, đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt và xử lý chất thải triệt để, không làm thất thoát hoạt chất ra môi trường" - ông Sang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm