Lý do vải Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật

Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ cho hay: Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo vải thiều Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật.

Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản Việt khác tại thị trường khó tính này.

Trên Cổng thông tin của Phòng Sở hữu trí tuệ-Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản mô tả rõ từ đặc tính đến đặc điểm địa lý, đặc thù, quy trình canh tác vải thiều Lục Ngạn.

Cụ thể, so với trái vải tại các vùng canh tác khác của Việt Nam thì trọng lượng trái vải Lục Ngạn nặng hơn ít nhất 10%, chiều cao trung bình từ dưới lên trên của quả dài hơn ít nhất khoảng 11%, hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2-5%...

Vải thiều Lục Ngạn được bày bán tại siêu thị Co.opmart.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, bên cạnh thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, từ năm 2017 vải thiều Lục Ngạn là một trong ba sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết lần đầu tiên trái vải Lục Ngạn của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản. Đây là tin vui khẳng định chất lượng của trái vải Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng.

Năm 2020, 200 tấn vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang Nhật Bản và được thị trường này đón nhận rất tốt.

“Chúng tôi tiếp tục rà soát 19 mã vùng trồng đã được cấp và mở rộng thêm một vùng trồng. Qua đó, nâng tổng diện tích vùng vải thiều lên 220 ha để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Hiện nay vải đang ra hoa trổ quả rất tốt, khả năng năm 2021 sẽ được mùa. Nông dân đang tập trung sản xuất để đạt chất lượng tốt nhất nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đặc biệt là sang thị trường Nhật Bản"- ông Tùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm