'Made in Vietnam', 'made in China' nhìn từ vụ Asanzo

Những ngày qua, dư luận bức xúc trước thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ tại VN và quảng bá là “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, hàng VN chất lượng cao. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn bị cáo buộc lập các công ty ma để nhập hàng từ Trung Quốc rồi đưa về các nhà máy của Asanzo tại Việt Nam nhằm trốn thuế...

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn luật sư TP.HCM.

.Phóng Viên: Hiện nay thị trường có nhiều sản phẩm ghi "made in Vietnam", "Product of VietNam", "sản xuất tại Việt Nam"… Vậy cách ghi nhãn sản phẩm nào là đúng luật?

+Luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn luật sư TP.HCM: Hiện nay đối với việc ghi “made in Vietnam” trên nhãn sản phẩm hàng hóa đang phân phối ở thị trường Việt Nam được xem là một chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Theo đó, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Việc ghi nhãn cho hàng hóa lưu thông ở thị trường nội địa sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Còn ghi nhãn cho hàng hóa xuất khẩu thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra khi xuất khẩu ra ngoài thì hàng hóa có xuất xứ Việt Nam còn cần phải đáp ứng yêu cầu pháp luật của nước nhập khẩu.

Chính vì thế, trong tất cả các sai phạm của các doanh nghiệp hiện nay có những sai phạm là do doanh nghiệp cố tình thực hiện. Ví dụ: Doanh nghiệp cố ý ghi sản xuất Việt Nam nhưng thực tế hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài. Song cũng có những sai phạm là do thiếu quy định hướng dẫn cụ thể.

Riêng hàng hóa được lưu thông tại thị trường nội địa, hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam, nhãn của hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Nghị định 43. Theo đó, nhãn hàng hóa phải có nội dung bắt buộc về “xuất xứ hàng hóa” và nội dung này phải được ghi bằng tiếng Việt. Đồng thời, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Do đó, nếu hàng hóa lưu thông tại thị trường nội địa hay nhập khẩu về Việt Nam mà trên nhãn không có nội dung “xuất xứ hàng hóa” được thể hiện bằng tiếng Việt như đã liệt kê trên mà thay vào đó là cụm “made in Vietnam” thì được xem là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị.

.Vậy với hàng lắp ráp, hàng gia công nước ngoài mang thương hiệu Việt ghi "made in Vietnam" có sai luật? Thực tế cho thấy, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp nhập linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Những sản phẩm này ghi xuất xứ là “made in Vietnam”. Việc ghi nhãn vậy có đúng không? Hay sẽ phải ghi rõ là lắp ráp linh kiện Trung Quốc tại Việt Nam?

+ Hiện nay, pháp luật Việt Nam yêu cầu một tỉ lệ tối thiểu 30% hàm lượng giá trị gia tăng trong nội địa trong quá trình tạo ra hàng hóa ở công đoạn cuối cùng để hàng hóa đó được xem là có xuất xứ Việt Nam.

Một điều cần lưu ý rằng lắp ráp cũng được xem là một trong các phương thức để “sản xuất” ra hàng hóa. Do đó, việc nhập linh kiện rời về Việt Nam, lắp ráp thành hình sản phẩm rồi gắn nhãn xuất xứ Việt Nam của một số doanh nghiệp có thể vi phạm quy định pháp luật nếu không đạt được một tỉ lệ tối thiểu như đã đề cập.

Thực tế, đây là một tỉ lệ chấp nhận được cho nhiều doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa có tính chất đơn giản. Tuy nhiên đây sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất những máy móc thiết bị tinh vi.

Thứ hai, về ghi nhãn hàng hóa, theo quy định tại Nghị định 43, nếu hàng hóa lưu thông tại thị trường nội địa hay nhập khẩu về Việt Nam mà trên nhãn không có nội dung “xuất xứ hàng hóa” được thể hiện bằng tiếng Việt như đã liệt kê trên mà thay vào đó là cụm “made in Vietnam” thì được xem là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa.

Với xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế ngày nay, việc một sản phẩm có nhiều công đoạn sản xuất ở nhiều quốc gia là một hiện tượng phổ biến. Vì vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đã và đang nỗ lực điều chỉnh hai vấn đề liên quan đến “hàng Việt Nam”, cụ thể là về “xuất xứ hàng hóa” và “nhãn hàng hóa”.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương VN) khẳng định chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN. Do đó, người tiêu dùng trong nước chưa có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng hóa “sản xuất tại VN/Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

“Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật VN chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN. Các quy định hiện hành phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định này quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại VN và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN…” - Cục Xuất nhập khẩu giải thích.

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa VN” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đó là hàng hóa có xuất xứ VN để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại VN, hoặc hàng hóa có thương hiệu của VN. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN là cần thiết và cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng, chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.