Méo mặt vì thông tư quy định rau thơm là dược liệu

“Dù đã nhất quán, đồng bộ hơn nhưng nếu như không còn các điểm nghẽn do tư duy xây dựng pháp luật vẫn cũ thì kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn tốt hơn”. 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định như trên tại buổi công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2020” do đơn vị này tổ chức ngày 12-1. 
Hành, tỏi, đậu nành… “khổ” vì thông tư
Trình bày báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng những năm gần đây, Chính phủ có nhiều đợt rà soát điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Qua đó đã bãi bỏ, đơn giản hóa một số lượng lớn ĐKKD bất hợp lý và chưa đảm bảo tính minh bạch. Môi trường đầu tư kinh doanh vì thế cũng đã thuận lợi hơn. 
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về các điều kiện gia nhập thị trường. Một trường hợp điển hình được báo cáo đề cập là Thông tư 48/2018 của Bộ Y tế. Trong thông tư này, hàng trăm loại nông sản, thực phẩm phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày được đưa vào danh mục dược liệu. 
Điển hình là các loại rau thơm như bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng; các loại gia vị như riềng, gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, sả, gấc, tỏi; các loại đậu hạt như đậu ván trắng, hạt bí ngô, óc chó, đậu đen, đậu nành, đậu xanh… 
Điều này đồng nghĩa với việc những chủ thể kinh doanh các loại hàng hóa này sẽ phải chịu cơ chế quản lý của pháp luật về… dược, nghĩa là phải đáp ứng các ĐKKD dược. Thậm chí, những người bán các loại thực phẩm này phải có địa điểm, kho bảo quản, phương tiện vận chuyển, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt nguyên liệu làm thuốc. 

Thông tư 48/2018 đưa nhiều loại nông sản tiêu dùng hằng ngày như hành, tỏi, gừng, quế, đậu nành... vào danh sách dược liệu để làm thuốc.
Ảnh: HOÀNG GIANG

“Điều này là chưa hợp lý và không khả thi. Bởi vì những loại thực phẩm trên không chỉ là nguyên liệu để làm thuốc mà còn là các loại thực phẩm rất thông dụng trong cuộc sống hằng ngày và việc sử dụng không tác động trực tiếp đến sức khỏe con người như các loại dược phẩm. Vì vậy, áp dụng cơ chế quản lý trên là chưa phù hợp” - ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Mặt khác, một số loại được xác định là dược liệu trong Thông tư 48/2018 cũng được xác định là thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT như gừng, tỏi, hoa atisô... “Như vậy, cùng một loại hàng hóa sẽ chịu hai cơ chế quản lý của hai cơ quan khác nhau” - ông Tuấn nói.
Bất cập trên đã gây ra nhiều khó khăn cho DN nhập khẩu và gây lúng túng cho cơ quan hải quan. Bởi nếu được quản lý theo dược liệu thì những DN nhập khẩu phải đáp ứng các ĐKKD về dược. Thế nhưng các DN này từ trước đến nay không có bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực dược và dĩ nhiên không thể đáp ứng được các điều kiện này, do đó không thể thông quan được hàng nhập khẩu. 

Thấp thoáng tư duy cũ

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao những chính sách, văn bản pháp luật được ban hành từ đầu năm 2020 giữa bối cảnh dịch COVID-19, trong đó bao gồm lĩnh vực thuế đến ngân hàng, tài chính, giải ngân vốn đầu tư công… Đặc biệt là từ tháng 2-2020, Chính phủ thành lập tổ công tác để rà soát các chồng chéo, xung đột trong các văn bản pháp luật. 

Theo ông Lộc, các cơ quan nhà nước đã tiếp thu tới 55% ý kiến của VCCI, thể hiện sự cầu thị và một xu thế mới là Nhà nước trân trọng, tiếp thu ý kiến của DN. “Tuy vậy, cũng có những cái cơ quan nhà nước chỉ mới lắng nghe, giải đáp chứ chưa… giải quyết” - ông Lộc nói và cho hay nhiều quy định vẫn khiến cộng đồng DN quan ngại, xuất phát từ tư duy soạn thảo chính sách vẫn còn cũ. 

Muốn làm sếp phải có bằng cấp
Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” cũng nhận định những ĐKKD can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng vẫn còn tồn tại. Đơn cử như yêu cầu DN phải có hợp đồng thuê kho, phương tiện vận tải với thời hạn tối thiểu từ năm năm trở lên. 
Hay còn có những ĐKKD yêu cầu trình độ chuyên môn của một số người ở vị trí quản lý. Chẳng hạn, Nghị định 57/2016 và Nghị định 16/2019 quy định điều kiện nhân lực để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng. 
Các nghị định này yêu cầu chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, chủ tịch công ty phải có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin. Đồng thời họ phải có ít nhất ba năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
Chưa hết, những nghị định này còn quy định tổng giám đốc, giám đốc; phó tổng giám đốc, phó giám đốc phải có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin. Đồng thời họ phải có ít nhất hai năm giữ chức vụ quản lý, điều hành DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin…
“Yêu cầu trình độ chuyên môn chưa thực sự phù hợp. Lý do là những người này không tham gia trực tiếp vào hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, do đó yếu tố lợi ích công cộng bị ảnh hưởng là rất ít” - báo cáo nhận định.
Nguy cơ tăng thủ tục xin-cho
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cũng nhận xét vẫn còn tình trạng quy định pháp luật được ban hành rất bất hợp lý, ẩn chứa nhiều vướng mắc làm khó người thực hiện. 
Ví dụ như quy định đối với hoạt động cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là “cấp phép cho từng hoạt động” và bổ sung thêm quy định về ĐKKD của các chủ thể cung cấp dịch vụ này. “Biện pháp quản lý này là chặt chẽ quá mức cần thiết” - ông Đậu Anh Tuấn nhận định. 

Lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đang có xu hướng bị thắt chặt hơn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đang có xu hướng thắt chặt hơn. Điển hình là bổ sung thêm một điều kiện khá quan trọng, đó là lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) thì phải có thêm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
“Đây là một loại giấy phép mới và có nguy cơ tăng thủ tục xin-cho không cần thiết và trùng lặp về mục tiêu quản lý” - ông Đậu Anh Tuấn nhận định. Bởi yêu cầu người lái xe vừa có giấy phép lái xe vừa có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải tạo ra gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của người lái xe. 
“Thủ tục này cũng khiến DN phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép cho một mục tiêu tương tự nhau” - báo cáo viết.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Cán bộ có đủ trình độ thẩm định phương án kinh doanh?

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” nêu rõ một số nghị định yêu cầu DN phải có phương án kinh doanh hoặc phương án kinh doanh khả thi. 

Bình luận về quy định này, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nói việc yêu cầu DN phải có phương án kinh doanh tại thời điểm xin cấp giấy phép kinh doanh là một trong những yêu cầu trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Đây là ĐKKD chưa hợp lý, ít ý nghĩa và chưa minh bạch. Bởi phương án kinh doanh có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, chiến lược, mục tiêu hoạt động của DN. 

“Mặt khác, xét tính minh bạch, không rõ cơ quan cấp phép sẽ xem xét và đánh giá phương án kinh doanh của DN dựa trên căn cứ, tiêu chí gì? Trong một số ĐKKD yêu cầu DN phải có phương án kinh doanh khả thi, vậy yếu tố khả thi được đánh giá dựa trên yếu tố nào? Liệu các cán bộ thẩm định hồ sơ có đủ trình độ để đánh giá và/hoặc thẩm định phương án kinh doanh của DN có khả thi hay không?” - ông Tuấn đặt câu hỏi. 

Cùng với đó là các dạng ĐKKD được thiết kế theo hướng định tính, sử dụng các từ như “đủ”, “phù hợp”, “cần thiết”. Chính điều này dẫn đến nhiều cách diễn giải khác nhau giữa DN và cơ quan cấp phép. 

“Điều này tạo ra nguy cơ nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho DN” - báo cáo nêu. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm