Miễn, giảm kinh phí công đoàn: Phải tháng 10 Quốc hội mới bàn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề xuất miễn, giảm kinh phí công đoàn, BHXH nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua tác động của COVID-19, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã khẳng định như trên.

Theo Thứ trưởng Phương, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã có công văn hướng dẫn “giãn nộp” kinh phí công đoàn và BHXH cho doanh nghiệp. “Vấn đề miễn, giảm nộp kinh phí công đoàn và BHXH... thì phải do Quốc hội xem xét quyết định, vì Luật Công đoàn và Luật BHXH đã quy định rồi” - Thứ trưởng Phương nói.

Bộ KH&ĐT theo nhiệm vụ được giao đã dự thảo xong nghị quyết về “các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Dự thảo nghị quyết đã được hoàn thành và đang tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ban ngành, địa phương.

Về đề xuất của 11 hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng một số chuyên gia về kinh phí công đoàn, BHXH, BHYT... Thứ trưởng Phương nói Bộ KH&ĐT chưa nhận được kiến nghị, góp ý chính thức nên chưa thể tiếp thu. Nếu nhận được đề xuất chính thức thì Bộ KH&ĐT sẽ cân nhắc tiếp thu vào dự thảo nghị quyết nói trên.

Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề rằng: Liệu kỳ họp Quốc hội tới đây, Chính phủ có đề xuất Quốc hội miễn, giảm kinh phí công đoàn và BHXH hay không, Thứ trưởng Phương cho hay: nếu Chính phủ có đề xuất thì cũng phải tháng 10-2020 Quốc hội mới bàn được. Bởi hiện nay chương trình kỳ họp thứ 9 đã được “chốt”.

Mặt khác, vẫn theo Thứ trưởng Phương, vấn đề miễn, giảm kinh phí công đoàn, BHXH cũng sẽ không đưa ra UB Thường vụ Quốc hội được vì UB Thường vụ Quốc hội không quyết những vấn đề vượt luật được.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng 11 hiệp hội vừa gửi tới Bộ KH&ĐT góp ý dự thảo nghị quyết nói trên. Trong đó, các hiệp hội đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn và BHXH năm 2020.

Theo các hiệp hội này, nếu căn cứ vào các tiêu chí mà Tổng Liên đoàn và BHXH Việt Nam đưa ra thì doanh nghiệp không thể thực hiện được. Vì nhiều ngành doanh thu gần như bằng 0 nhưng vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống cho người lao động… Doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc”.

Các doanh nghiệp như dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch, hàng không... chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã khiến hàng chục, hàng trăm ngàn người mất việc. Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng BHXH thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, ngày 26-4 trả lời báo chí cũng đề xuất: “Hãy giúp doanh nghiệp nhiều hơn trong việc tăng cường tính tích lũy, chia sẻ với họ gánh nặng chi phí thì phải miễn, giảm thuế, miễn nhiều loại phí, không phải chỉ một vài tháng mà phải kéo dài một vài năm. Ví dụ như phí công đoàn thì nên miễn 2-3 năm đối với DN, vì 2% là một khoản phí rất cao”.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng đề nghị tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020.

“Đề nghị Chính phủ trình ra Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020” - ông Lộc kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm