Mối nguy từ các dự án trọng điểm rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc


Mối nguy từ các dự án trọng điểm rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc ảnh 1Bauxite Tân Rai là dự án do nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) làm tổng thầu bị chậm tiến độ ít nhất 1 năm.

    Hơn 10 năm qua, thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí - NARIME (Bộ Công Thương) thì nhiều dự án trọng điểm thuộc những lĩnh vực an ninh năng lượng của nền kinh tế VN là thủy điện, nhiệt điện, ximăng, bauxite, sàng tuyển than... đều do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá thấp, nhưng để lại những hệ luỵ như chậm tiến độ, điều chỉnh giá, đưa lao động phổ thông vào VN...

    Phụ thuộc do Luật đấu thầu?

    TS. Phạm Sỹ Thành, GĐ Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhìn nhận rằng sự phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Mối nguy từ việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu phần lớn các dự án “chìa khoá trao tay” (EPC) với những dự án trọng điểm mới là điều đáng lo ngại. 

    Viện Nghiên cứu cơ khí đưa ra con số, ngành công nghiệp ximăng có 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tỉ lệ nội địa hoá trong nước rất thấp không lớn hơn 3% (phần lớn là 0%) do nhà thầu giành toàn bộ phần việc của thầu phụ, thậm chí mang cả người Trung Quốc sang làm những công việc giản đơn như khuân vác, phụ hồ...

    Tương tự, với nhiệt điện đốt than, trong 20 dự án có tới 15 dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa 0%. Ngành công nghiệp nhôm và bauxite, cả 2 dự án bauxite do Tập đoàn CN Than- Khoáng sản VN làm chủ đầu tư đều do Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa chỉ vỏn vẹn 2%. Với các nhà máy sàng tuyển than, Vinacomin đầu tư 3 nhà máy thì cả 3 đều do Trung Quốc làm tổng thầu. 

    Trong 10 dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông, năng lượng, hoá chất, luyện kim của VN đều có nhà thầu Trung Quốc tham gia, trong đó phải kể đến như công trình đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội- Lào Cai, nhà máy gang thép Lào Cai, nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện Mông Dương 2... đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc..

    Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh - một trong những công trình do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Ảnh: Giang Huy

    Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh - một trong những công trình do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Ảnh: Giang Huy

    Lý giải cho việc này, nhiều quan chức có trách nhiệm thường đổ lỗi cho việc nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, họ đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính nước họ hoặc không được bảo hộ cho các nhà chế tạo thiết bị trong nước. Thứ hai, là Luật Đấu thầu ưu tiên đơn vị trúng thầu giá rẻ mà không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa. Do vậy hầu hết các dự án rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó, các nhà máy chế tạo của VN hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ. 

    Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là cơ chế chính sách đã ban hành để hỗ trợ cho sản xuất trong nước đã bị các chủ đầu tư “biến tướng”. Một số chủ đầu tư “ngại” dùng thiết bị sản xuất trong nước, thích nhập ngoại.. Hậu quả dẫn đến không ít dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu liên tiếp bị chậm tiến độ, yêu sách đội vốn đầu tư hoặc bài bây không thi công dẫn đến không ít hệ luỵ.

    Doanh nghiệp VN phải tự chủ

    GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Khoa học Kinh tế VN cho rằng, phụ thuộc vào Trung Quốc không khác nào “con dao 2 lưỡi”. Dù là nước lớn nhưng ý đồ thâu tóm, không muốn các nước láng giềng phát triển nhanh về kinh tế, mà phải chịu phụ thuộc vào Trung Quốc là ý đồ không phải mới phát sinh từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 mà đã ngấm ngầm từ hàng chục năm nay. 

    Với động thái Trung Quốc dành được hầu hết các dự án trọng điểm làm tổng thầu EPC, một lần nữa cho thấy vấn đề an ninh năng lượng, an toàn, chất lượng các công trình trọng điểm của VN cần được đặt ra cấp thiết. TS Phạm Sĩ Thành cho biết, ở nhiều nước nếu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, họ có danh mục cấm các nhà thầu tham gia đấu thầu các công trình trọng điểm, nhưng VN hiện chưa có điều luật này.

    Để khắc phục những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra trong tương lai, giải pháp được các chuyên gia đề cập là VN cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện hơn cho nhà thầu trong nước và vật tư, sản phẩm chế tạo trong nước. Đưa nguồn gốc xuất xứ hàng hoá vào tiêu chí đánh giá có mức độ ưu tiên cho phần dịch vụ thiết bị chế tạo trong nước, không chỉ xét tiêu chí giá rẻ, mà cần quan tâm đến vòng đời kỹ thuật dự án thì nhà thầu Trung Quốc sẽ hạn chế cơ hội trúng thầu.

    Ngoài ra, việc VN tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại quốc tế cũng sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, với điều kiện các DN VN ngày càng mạnh lên để có nội lực so găng với đối thủ sát vách “lắm võ nhiều mưu”.

    Theo HỒNG QUÂN (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm