Moody's dành cho Thụy Điển mức tín nhiệm vàng

Trong một tuyên bố, Moody's khẳng định trong thời gian qua, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Nhật Bản phục hồi chậm chạp trong khi Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm, Thụy Điển vẫn duy trì được một nền tảng bền vững.
 
 Trong một thập kỷ qua, các chính sách tài chính-tiền tệ đúng đắn đã giúp nước này giảm được gánh nặng nợ công. Từ mức nợ tương đương 73,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hồi năm 1996, đến năm 2011, Thụy Điển đã giảm tỷ lệ nợ này xuống còn 38,4% GDP, thấp hơn mức trung bình 46,8% GDP mà Moody's dùng làm chuẩn để đánh giá xếp hạng tín nhiệm Aaa cho một nền kinh tế trong năm đó.

Mặc dù triển vọng kinh tế thế giới nói chung trong giai đoạn 2012-2013 còn khá ảm đạm, song các chuyên gia của Moody's dự báo Thụy Điển sẽ tiếp tục giảm được nợ công xuống mức tương đương 35% GDP trong ba năm tới, đồng thời đạt tốc độ tăng trưởng 1,1% và 1,9% lần lượt trong hai năm 2012 và 2013.

Trong khi đó, cùng ngày, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm của sáu tổ chức tài chính Canada với lý do kinh tế tăng trưởng yếu, lãi suất thấp và sức ép từ những khó khăn mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.

Sáu tổ chức tài chính Canada bị S&P hạ một bậc tín nhiệm gồm Ngân hàng Nova Scotia (BNS), Ngân hàng quốc gia Canada (NBC), Ngân hàng Laurentian Canada (LBC), Tập đoàn tín dụng Central 1, Caisse centrale Desjardins và Home Capital Group.

S&P nhấn mạnh rằng "ngành ngân hàng Canada đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ những khó khăn mà nền kinh tế nước này đang phải đối diện, làm tăng rủi ro kinh tế trong hệ thống ngân hàng. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt để giành các khoản cho vay và tiền gửi sẽ dẫn đến sức ép đối với mức tăng lợi nhuận, nhất là các hoạt động cho vay lẻ của các ngân hàng."

Việc một cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế hạ cấp xếp hạng tín nhiệm thường có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn khi một công ty tiến hành huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu hoặc các hình thức vay nợ khác.

Trong báo cáo của mình, S&P lưu ý rằng nhu cầu vay nợ tại Canada đang tiến gần mức đỉnh điểm theo chu kỳ và dự kiến sẽ chững lại sau vài quý tăng trưởng mạnh.

Các yếu tố kinh tế khác khiến nhiều tổ chức tài chính Canada thường bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế chú ý là mức nợ tiêu dùng và giá nhà cao, khiến các ngân hàng dễ tổn thương trước những nguy cơ suy giảm của nền kinh tế Canada hơn trước đây.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm