Mỹ xây dựng quy định mới cho ngân hàng

Mỹ xây dựng quy định mới cho ngân hàng ảnh 1
Trong ảnh, các chấm biểu thị số ngân hàng bị phá sản,
đường kính thể hiện mức độ ảnh hưởng. Ảnh: TL
Đúng lúc người dân Mỹ bực bội khi thấy các ngân hàng nhận tiền trợ cứu của Chính phủ Mỹ thưởng lớn cho người quản lý, Tổng thống Mỹ Obama đưa ra quyết định thắt chặt kiểm soát với hoạt động của ngân hàng Mỹ. Mỹ tháo ngòiCho dù chưa rõ chi tiết kế hoạch kiểm soát sẽ như thế nào, người nộp thuế ở Mỹ đang được người đứng đầu chính phủ thuyết phục rằng trong tương lai các định chế tài chính sẽ không ở thế quá lớn để không bị phá sản. Tính từ năm 2008 đến nay, có 174 ngân hàng của Mỹ bị phá sản, theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm tiền gửi (FDIC). Ông Mario Draghi, người đứng đầu uỷ ban Ổn định tài chính (FSB), cơ quan chịu trách nhiệm hợp tác quốc tế để soạn thảo các quy định quản lý tài chính quốc tế, đánh giá sáng kiến của ông Obama “sẽ khôi phục động lực cho nỗ lực cải cách quy định quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính”. Tân chủ tịch ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ Philipp Hildebrand cũng cho rằng, đề nghị như vậy sẽ giúp ngăn ngừa khủng hoảng tài chính trong tương lai. Với đề nghị của tổng thống Mỹ đưa ra hôm thứ năm tuần trước, quy định về quản lý hoạt động tổ chức tín dụng sẽ trở thành sự kiện hàng đầu trong chương trình nghị sự tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ trong tuần này. Là nơi châm ngòi của cuộc khủng hoảng tài chính, nước Mỹ đang muốn thể hiện mình như một người tích cực tháo ngòi nổ ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đồng thuận nguyên tắc dễTờ Economist dẫn lời giới phân tích cho rằng, các quy định mới do câu lạc bộ Basel đưa ra, còn gọi là hiệp ước Basel 3, có thể được áp dụng vào cuối năm 2012. Năm ngoái, FSB đã đưa ra đề nghị về cấu trúc của các ngân hàng lớn, quy định về vốn và tăng cường giám sát hoạt động của các định chế tài chính lớn. Từ các hướng dẫn của FSB, các nhà làm chính sách sẽ xây dựng Basel 3. Giới thạo tin cho rằng, có thể ngân hàng bị giới hạn về mức độ sử dụng tiền gửi của khách hàng để đầu tư trên thị trường tài chính. Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách sẽ phải bàn thảo cụ thể mức quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cơ cấu vay và huy động thế nào để bảo đảm thanh khoản, cũng như các quy định về tỷ lệ nợ xấu. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ người đóng thuế, là bắt buộc ngân hàng phải có khả năng chống đỡ rủi ro cao, từ rủi ro nợ xấu cho tới thanh khoản, trước khi họ phải cầu cứu chính phủ. Thật ra, trong hai hiệp ước Basel trước đây, cũng có quy định cụ thể dựa trên công thức của các nhà kinh tế lập ra. Trên thực tế, công thức này không phù hợp. Năm ngày trước khi tuyên bố phá sản, tỷ lệ vốn bậc 1 của Lehman Brothers là 11%, gấp ba lần quy định theo Basel. Trong quá khứ, khi chưa thể trông chờ vào sự trợ giúp của chính phủ, ngân hàng luôn tự bảo vệ bằng các khoản dự trữ rất lớn. Cuối thế kỷ 19, trung bình một ngân hàng của Anh hay Mỹ có tỷ lệ vốn cơ bản tương đương 15 – 20% giá trị tổng tài sản. Những năm 1960, các ngân hàng Anh luôn giữ 25% tài sản ở dạng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ. Dần dần, khi chính phủ tỏ lòng sẵn tay cứu vớt khi ngân hàng gặp nạn, ngân hàng bớt quan tâm đến việc tự bảo vệ mình. Một số định chế tài chính ở phương Tây, khi gặp khủng hoảng, có tỷ lệ vốn nòng cốt ở mức chưa tới 3%. Khoảng 1/10 tổng giá trị tài sản của họ có thể chuyển thành tiền mặt ngay khi cần. Ngoài việc tính toán đưa ra quy định mới về quản lý ngân hàng, các nhà làm chính sách của các nước cũng bàn về tỷ lệ thưởng. Dự kiến trong ngày 25.1, các nước G20 nộp cho FSB báo cáo về quy định mới về tiền thưởng cho người điều hành để cơ quan này lập và công bố báo cáo tổng hợp vào cuối tháng ba năm nay. Giới phân tích cho rằng, cho dù có đưa ra được quy định mới, việc thực thi ở từng nước sẽ rất khó khăn. Giám đốc điều hành viện Tài chính quốc tế có trụ sở ở Washington, ông Charles Dallara cho rằng, chính phủ mỗi nước sẽ cố gắng bảo vệ hệ thống tài chính của nước mình bởi việc kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn luân chuyển xuyên biên giới, một thành tố quan trọng giúp kinh tế phát triển trong 50 năm trở lại đây. Khủng hoảng tài chính là cơ hội để các nước đạt được sự đồng thuận trong quy định mới về quản lý hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, khó có thể đạt được sự đồng thuận về quy định cụ thể tỷ lệ dự trữ, trích lập dự phòng bao nhiêu là đủ. Bởi đó là sự đánh đổi giữa an toàn và tăng trưởng kinh tế. Một khi nhà băng hoàn toàn an toàn thì nó khó có thể trở thành chiếc máy bơm tín dụng thích hợp cho doanh nghiệp cũng như cá nhân.
Theo Phi Giao ( SGTT/ Wall Streest Journal, Economist)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm