Năm 2008: Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 2.000 tỷ đồng

Theo bà Trần Thúy Nga, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2008 cả nước có 8,5 triệu người đóng BHXH, tăng 5% so với năm trước. Trong đó, lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm tới 70%. Doanh thu BHXH cũng đạt 29.329 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền nợ BHXH chiếm 7%/tổng số tiền phải thu, chủ yếu rơi vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh (35%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (33%).

Bà Nga cho biết mức phạt 20 triệu đồng đối với doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội đã không đủ sức răn đe. Cho nên nhiều doanh nghiệp chiếm dụng vốn bằng hình thức nợ bảo BHXH. Qua hai năm thực hiện BHXH còn tồn tại khó khăn trong hạch toán chi phí quản lý. Chưa có sự rõ ràng giữa chi phí quản lý BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế. Chi phí cho bộ máy quản lý BHXH 16.000 người, số tiền 1.087 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 6%!

Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành Luật BHXH cũng còn một số doanh nghiệp không chấp hành. Các doanh nghiệp này né tránh đóng BHXH cho người lao động bằng cách chỉ đóng cho một số ít lao động trong doanh nghiệp hoặc kê mức lương thật thấp trong hợp đồng lao động nhằm giảm chi phí BHXH phải nộp...

Mặt khác, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có quy mô lớn nợ BHXH với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. TP.HCM đã khởi kiện tám doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án, trong đó có tới sáu doanh nghiệp Hàn Quốc. Điển hình như Công ty Giày dép KWang Nam nợ BHXH tới 7,2 tỷ đồng. Tòa tuyên công ty này phải trả hết nợ trong thời gian ba tháng, chậm nhất đến ngày 19-9-2008. Tuy nhiên, đến nay công ty này mới nộp được 500 triệu đồng. Thậm chí, có công ty sau khi tòa thụ lý hồ sơ, đang xác minh thì chủ doanh nghiệp bỏ trốn như công ty Vina Haeng Woon Industry (Hàn Quốc). Công ty này đã bị một công ty khác nữa kiện ra tòa trước BHXH nên vụ kiện đang rơi vào bế tắc...

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm