Năm 2021, EVN nộp ngân sách hơn 22.400 tỉ đồng

Ngày 14-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai công tác năm 2021.

Báo cáo hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho biết năm 2021, trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, nhưng tập đoàn đã khắc phục khó khăn và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đó là đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Về quy mô hệ thống điện, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020.

"Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện" - ông Nhân nói.

EVN tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai công tác năm 2022. Ảnh: EVN

Năm 2021, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 43.518MW, tăng 11,3%.

Đáng lưu ý, năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia khi nhiều khu vực có nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn”.

Tuy nhiên, theo EVN, hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện vẫn bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện.

"EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng, bằng 100,2% so với năm 2020, trong đó vốn chủ sở hữu là 255.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2020. Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỉ đồng" – Lãnh đạo EVN cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu dương những kết quả mà Tập đoàn đã đạt được trong năm 2021 đầy khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn một số hạn chế mà EVN cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là tổng doanh thu của công ty mẹ đạt kết quả cao hơn năm 2020, nhưng chưa đạt so với mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021. Bên cạnh đó, giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn Tập đoàn chỉ đạt 90,83% so với kế hoạch, trong đó giải ngân vốn đầu tư thuần đạt 84,8% kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, năm 2022 EVN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Ông lưu ý việc phụ tải có thể tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, chương trình phục hồi kinh tế được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Trên cơ sở Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Tập đoàn sớm hoàn thiện, trình Ủy ban kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022 để làm cơ sở triển khai nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo.

Đồng thời triển khai các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thu xếp vốn, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình nguồn và lưới điện lớn, quan trọng. Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, các nhà máy thủy điện Hà Bình mở rộng, Ialy mở rộng, đường dây 500kV mạch 3…

"Trước mắt, phải tập trung tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện thuộc các chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh" - ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị Tập đoàn cần nghiên cứu xu hướng phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam để từng bước triển khai các loại hình năng lượng mới, đón đầu các dịch vụ mới như hệ thống sạc pin cho xe điện…" - ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.