Nên để "mẹ" giám sát “con”!

Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng về quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp (DN) đối với DN có vốn Nhà nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), lo ngại không thể đưa các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vào giám sát.

Vốn của công ty con không thể gọi là vốn Nhà nước

Ông Tặng lập luận: Luật DN quy định đã là công ty cổ phần thì ai nắm giữ cổ phần nhiều hơn, người đó có quyền nhiều hơn. Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì chỉ được quản theo tư cách cổ đông lớn, chứ không thể đưa vào diện giám sát bắt buộc.        

Nói rõ hơn, ông Tặng cho hay khái niệm DN nhà nước (DNNN) được hiểu là DN có 51% vốn Nhà nước trở lên. Khái niệm vốn Nhà nước chưa chuẩn xác, không rõ ràng chẳng hạn công ty mẹ đầu tư cho công ty con có được hiểu là bằng vốn Nhà nước hay không? Theo quan điểm chính thống hiện tại thì đây là vốn Nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thì lại cho rằng vốn Nhà nước đã giao cho công ty mẹ rồi cho nên khi công ty mẹ đầu tư thì vốn này không hoàn toàn của riêng Nhà nước mà bằng nhiều loại vốn khác nhau như vốn vay, vốn chiếm dụng… Cho nên, công ty mẹ đầu tư cho công ty con thì không thể gọi là vốn Nhà nước được.

Nên để "mẹ" giám sát “con”! ảnh 1

Khái niệm vốn nhà nước để đưa vào giám sát còn có những luồng ý kiến khác nhau. Trong ảnh:Thi công lắp máy của một công ty có vốn nhà nước. Ảnh: CTV

“Cho nên xác định đối tượng để giám sát theo dự thảo là không đúng. Các công ty hoạt động theo Luật DN thì chỉ giám sát theo chủ sở hữu thôi. Với các công ty con thì công ty mẹ sẽ giám sát chứ không thể là một đơn vị khác được. Hay các công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên thì phần vốn Nhà nước có thể chiếm đa số nhưng anh vẫn phải tuân thủ theo quy định của Luật DN và tôn trọng quyền của các chủ sở hữu khác. Nói tóm lại là không thể cho rằng Nhà nước chiếm đa số vốn mà có thể áp đặt quyền giám sát cả công ty con, công ty cháu. Do vậy, cứ theo luật mà làm” - ông Tặng khuyến nghị.

Nên thu hẹp đối tượng giám sát

Đại diện Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam cho rằng nên thu hẹp đối tượng giám sát vì khái niệm DN có vốn Nhà nước là quá rộng. Chỉ nên giám sát đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc giữ quyền chi phối (Nhà nước giữ 51% cổ phần trở lên).

Một DN tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho hay nếu chủ sở hữu nắm dưới 20% vốn Nhà nước mà vào xin báo cáo tài chính chưa chắc DN đã cho chứ đừng nói chuyện giám sát. Theo vị này, những đối tượng chủ sở hữu dù nắm tới 30% cổ phần cũng không đủ thẩm quyền để yêu cầu DN gửi báo cáo, giám sát.

Đại diện Chi cục Tài chính DN thuộc Sở Tài chính TP.HCM nhận định công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì công ty sẽ thực hiện theo điều lệ công ty đó. Cơ quan giám sát không đủ thẩm quyền để yêu cầu báo cáo giám sát, càng không đủ thẩm quyền để đưa ra cảnh báo và yêu cầu DN thực hiện khuyến nghị khi mất an toàn tài chính. Do vậy, đối với DN cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì chỉ nên đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ ngân sách sáu tháng một lần, hoặc trường hợp phần vốn Nhà nước quá nhỏ dưới 20% vốn điều lệ thì mỗi năm một lần.

Làm rõ trách nhiệm của Nhà nước và DN

Để củng cố và thúc đẩy các DNNN phát triển, Bộ Tài chính cho hay quyết định Quy chế giám sát DNNN sẽ làm rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, quyền trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như quyền và trách nhiệm của DN đảm bảo chủ trương của Nhà nước là quản lý của Nhà nước ra khỏi điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm