Nên tăng đánh thuế thuốc lá

Việc toàn cầu tăng đánh thuế lên thuốc lá gấp ba lần mức hiện tại có thể giúp đạt mục tiêu Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đặt ra năm 2013 là giảm tỉ lệ người hút thuốc lá toàn cầu xuống 1/3 vào năm 2025.

Cụ thể đến năm 2025 sẽ có 433,3 triệu người ngưng hút thuốc, 200 triệu người chết sớm vì ung thư phổi và các bệnh khác do hút thuốc được ngăn chặn. Ngoài ra, các chính phủ còn có thêm nguồn thu thuế. Hiện hằng năm toàn cầu thu được khoảng 300 tỉ USD tiền thuế từ thuốc lá. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, dù mức tiêu thụ thuốc lá có giảm vì thuế bị tăng đến gấp ba, tổng thu thuế của toàn cầu vẫn sẽ tăng thêm 100 tỉ USD nữa.

Nghiên cứu đặc biệt chú trọng đề xuất tăng đánh thuế lên thuốc lá ở 10 nước và khu vực có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới (chiếm 2/3 trong 1,3 tỉ người toàn cầu hiện tại) như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Indonesia, Mỹ, Nga, Nhật, Brazil, Bangladesh, Pakistan. Chỉ riêng người Trung Quốc mỗi năm hút hết 1.000 tỉ điếu thuốc, chiếm 1/3 lượng thuốc lá tiêu thụ toàn cầu.

Theo GS Prabhat Jha thuộc ĐH Toronto, đây là biện pháp hữu hiệu nhất chứ các biện pháp không trực tiếp đánh vào kinh tế như cấm quảng cáo, quy định nhãn hiệu phải ghi cấm hút, thậm chí ra luật cấm hút thuốc chỉ hỗ trợ chứ không mang lại hiệu quả rõ như mong muốn.

Đã có một số nước giảm thành công tỉ lệ người hút thuốc bằng việc tăng thuế đánh lên thuốc lá. Chẳng hạn, từ năm 1990 đến 2005, mỗi năm Pháp đều tăng thuế đánh lên thuốc lá cao hơn mức lạm phát trung bình của năm 5%, kết quả là lượng tiêu thụ thuốc lá giảm đi một nửa. Trong ba thập kỷ, số người hút thuốc ở Canada giảm một nửa, lý do vì nước này liên tục tăng thuế đánh trên thuốc lá.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm